Saturday, 27/04/2024

Thuốc tránh thai khẩn cấp - lợi bất cập hại

23:45 06/11/2022

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng, tuy nhiên dùng thường xuyên có thể xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

Ảnh minh họa

Chị Thảo, ngụ TP HCM, chia sẻ trước đây sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày như một thói quen. Sau đó, vì quá bận rộn nên chị không duy trì uống thuốc đều đặn. Mỗi lần vợ chồng gần gũi, chị sợ mang thai ngoài kế hoạch nên phải mua thuốc tránh thai khẩn cấp để uống.

Lần này chị uống thuốc khẩn cấp liên tục hai ngày, đến ngày thứ ba bắt đầu đau bụng dữ dội, rồi dần dần đau khắp người và rong kinh kéo dài hơn hai tuần. Cơn đau nhiều đến mức chị không thể rời khỏi giường quá lâu, trừ các sinh hoạt cá nhân cần thiết. Có hôm chồng đi vắng, vì đói quá nên chị ra phố tìm mua thức ăn, kết quả vừa ra cửa vài bước đã ngã quỵ vì đau, choáng mệt do mất máu. May mắn hàng xóm phát hiện chị bất tỉnh, đưa về nhà và gọi chồng chị về chăm sóc. "Sau lần kinh hoàng đó, tôi không dám dùng thuốc tránh thai khẩn cấp vô tội vạ nữa", chị Thảo nói.

Tương tự, chị Ngân, ở Đồng Nai, cũng sử dụng nhiều liều thuốc tránh thai khẩn cấp trong thời gian gần. Chị chia sẻ cũng có nghe nói đến tác dụng phụ nhưng không nghĩ nó lại kinh khủng đến thế. Trong hơn 6 tháng liên tục, chị Ngân bị rối loạn kinh nguyệt và thỉnh thoảng đau bụng dưới bất chợt không thể kiểm soát. Có tháng chị đến kỳ kinh nguyệt tận hai, ba lần, vừa hết vài hôm thì lại có. Có tháng lại bị mất kinh nhưng bụng dưới vẫn đau âm ỉ. Chưa kể, chị vô cùng mệt mỏi, luôn trong tình trạng căng thẳng, cáu gắt dù chẳng có lý do gì cả.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Nga, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, hồi tháng 5/2021 tư vấn trên VnExpress về các biện pháp tránh thai, cho rằng thuốc tránh thai khẩn cấp không phải là một biện pháp tránh thai. Do đó, không nên sử dụng thường xuyên, chỉ dùng để "chữa cháy" khi khẩn cấp như thủng bao cao su hoặc không kiềm chế trong giai đoạn nguy hiểm dễ thụ thai.

"Chưa có bằng chứng nào thuốc ngừa thai ảnh hưởng đến khả năng sinh con và gây dị tật cho thai nhi. Tuy nhiên, sử dụng thường xuyên thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ dễ bị rong kinh, rong huyết, rối loạn kinh nguyệt...", bác sĩ Nga cảnh báo.

Hồi tháng 8, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 34 tuổi vào viện do bị đau tức ngực, khó thở ngày thứ hai. Bệnh nhân cho biết thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp 10 năm nay, thường uống 12-15 viên/tháng. Kết quả xét nghiệm và chụp CT ngực cho thấy hình ảnh huyết khối động mạch phổi hai bên, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính/lạm dụng thuốc tránh thai.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Phạm Quang Trình, Khoa Cấp cứu bệnh viện cho biết tắc mạch phổi là một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi và ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu tại vùng đó, gây trở ngại trong việc trao đổi khí. Một trong những yếu tố có nguy cơ gây bệnh này chính là lạm dụng thuốc tránh thai.

Nghiên cứu của Alain Weill đăng ở tạp chí BMJ 2016, trong số 100.000 phụ nữ sử dụng thuốc viên tránh thai trong một năm, ước tính có 33 phụ nữ sẽ bị thuyên tắc phổi.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số tăng thêm khoảng gần một triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027-2028, do đó nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai cũng tăng.

Thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả tránh thai thấp hơn thuốc tránh thai hàng ngày, theo các bác sĩ. Hiện nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn thuốc tránh thai khẩn cấp và hằng ngày nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục như biện pháp tránh thai thường quy. Do đó, người dùng không đạt được hiệu quả ngừa thai mà còn mang đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, giảm ham muốn yêu, thậm chí tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng...

Khuyến cáo từ nhà sản xuất, chỉ nên sử dụng tối đa hai viên thuốc tránh thai khẩn cấp mỗi tháng và ba lần trong một năm. Không nên thường xuyên uống sau quan hệ, mà chỉ sử dụng nó trong những trường hợp thật sự "khẩn cấp".

Thuốc tránh thai hiện rất phổ biến, bán ở các nhà thuốc tây và không cần kê toa. Các bác sĩ khuyến cáo người dùng tránh thai khẩn cấp nên hiểu đây là giải pháp tạm thời. Phụ nữ nên đến bệnh viện có chuyên khoa sản, để bác sĩ tư vấn biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/thuoc-tranh-thai-khan-cap-loi-bat-cap-hai-4531625.html

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke