ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 81,5% (năm 2010) xuống 69,4% (năm 2015) và hiện nay là 58%.
Vai trò của kẽm đối trẻ em
Cơ thể lớn lên là nhờ sự nhân lên của các tế bào. Trong quá trình phát triển của cơ thể, "ngón tay kẽm" có vai trò quan trong trong việc tạo tế bào máu, tái tạo cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc, phát triển phổi sơ sinh, tạo glucose, phát triển hệ xương và cơ trơn...
Kẽm còn đặc biệt quan trọng với hệ miễn dịch. Nó kích thích sự phát triển và biệt hóa các tế bào miễn dịch lympho B và lympho T, qua đó tạo một hệ phòng thủ để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Nếu trẻ có sức chống đỡ với bệnh tật tốt, ít đau ốm thì tăng trưởng và phát triển tốt hơn.
Kẽm cũng có tác động kích thích tới sự tạo xương và kìm hãm sự hủy xương. Kẽm tham gia điều hòa gene cho việc hình thành các thành phần của xương. Do vậy, bổ sung kẽm làm tăng hoạt động của hormone và làm tăng trưởng chiều cao.
Kẽm là khoáng chất cần thiết cho sức khỏe não bộ. Kẽm và vitamin B6 là những chất giúp dẫn truyền thần kinh hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, vùng trung tâm bộ nhớ của não là vùng đồi hải mã có chứa lượng kẽm rất cao.
Trẻ vị thành niên thường phải đối mặt với mụn trứng cá trên da. Kẽm giúp điều chỉnh lượng dầu và làm giảm nhiễm khuẩn gây ra mụn. Kẽm cũng giúp sản xuất collagen, chất giúp làn da mịn màng.
Kẽm chiếm nồng độ cao trong tuyến tiền liệt. Nó tham gia vào sự trao đổi nội tiết tố, cân bằng chức năng tuyến tiền liệt, sự hình thành và vận động của tinh trùng. Thiếu kẽm làm chậm quá trình dậy thì ở trẻ nam và dẫn tới giảm lượng tinh trùng.
Các biểu hiện của thiếu kẽm vô cùng thầm lặng, khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Ví dụ, mất cảm giác thèm ăn, rụng tóc, chức năng hệ miễn dịch suy yếu, tiêu chảy, tổn thương da và mắt, tăng trưởng chậm ở trẻ em và chứng bất lực ở nam giới. Do tỷ lệ thiếu vi chất kẽm cao, biểu hiện thầm lặng, nên khi được phát hiện thì đã gây hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, việc dự phòng thiếu kẽm thông qua chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến các rối loạn không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, giảm thị lực, chậm tăng trưởng do giảm tốc độ tổng hợp AND và tổng hợp protein, dậy thì chậm, giảm hoạt động của các tuyến nội tiết...
Nhu cầu kẽm ở trẻ em là từ 2,4 đến 10 mg/ngày, tùy theo lứa tuổi và giá trị sinh học của kẽm trong khẩu phần. Nguồn cung cấp kẽm chủ yếu ở các loại hải sản như ngao, hàu; các loại thịt động vật như thịt heo, bò, dê, gia cầm...
Kẽm không dự trữ được lâu dài trong cơ thể để "dùng dần". Vì vậy cần đảm bảo chế độ ăn hàng ngày có đủ kẽm.