Trường Đại học Hà Nội tăng 30% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp.
Tại chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh 2020 mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, đề án tuyển sinh chính thức của trường Đại học Hà Nội đã công bố từ đầu tháng 6 với một số thay đổi có lợi cho sinh viên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhất là sau khi Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập, Đại học Hà Nội đã tăng chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp từ 10% năm 2019 lên 30% năm 2020. Ngoài ra, trường cũng mở thêm ba chương trình mới, đồng nghĩa với việc tăng thêm 150 chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo đó, năm nay, trường dành 5% chỉ tiêu cho việc xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các thí sinh đạt giải quốc gia, các kỳ thi Olympic. 25% chỉ tiêu dành cho hình thức xét tuyển kết hợp theo quy định của nhà trường. Cụ thể đối tượng tham gia xét tuyển kết hợp gồm:
- Học sinh các lớp chuyên, trường chuyên đạt học lực giỏi trong các năm học cấp ba, điểm thi THPT 3 môn Toán - Văn - Ngoại ngữ hoặc Toán - Lý - Ngoại ngữ đạt 21 điểm trở lên và điểm trung bình môn Tiếng Anh mỗi năm 7,0 trở lên;
- Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của 10 ngôn ngữ trong đó có tiếng Anh (IELTS, TOEFL, CAE); thí sinh có kết quả các bài thi chuẩn quốc tế như SAT, ACT, A-LEVEL..
70% chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho hình thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT. Trong trường hợp xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp còn thừa chỉ tiêu, các chỉ tiêu thừa này sẽ được chuyển sang cho hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đối với thí sinh sử dụng hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, việc sở hữu những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có thể giúp các em học vượt từ nửa năm đến một năm, từ đó rút ngắn lại thời gian học tập.
Chia sẻ về điều kiện đăng ký xét tuyển chung của trường, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho biết, học sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT ba môn Toán - Văn - Ngoại ngữ và Toán - Lý - Ngoại ngữ đạt 16 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường. Tuy nhiên, trên thực tế, do tỷ lệ cạnh tranh cao nên thông thường, điểm trúng tuyển vào các ngành sẽ cao hơn. Những ngành đang có nhu cầu việc làm cao và có thu nhập tốt như Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, điểm trúng tuyển có thể lên tới 8 đến 8,5 điểm mỗi môn.
Bên cạnh đó, trừ ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông đa phương tiện, các ngành còn lại của trường Đại học Hà Nội đều nhân đôi điểm ngoại ngữ. Đây là một lợi thế lớn cho những học sinh có nền tảng và năng lực ngoại ngữ tốt từ THPT.
Chương trình đào tạo quốc tế lấy bằng chính quy
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trường có 4 chương trình liên kết với các đại học nước ngoài bao gồm cử nhân Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành kép Marketing và Tài chính liên kết với Đại học La Trobe của Australia, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành liên kết với Đại học IMC KREMS - Áo, ngành Kế toán Ứng dụng liên kết với Đại học Oxford Brookes - Anh và Cử nhân Kinh doanh liên kết với Đại học Waikato - New Zealand.
Tất cả chương trình này đều được giảng dạy tại Việt Nam, bằng tiếng Anh với giáo trình và tài liệu quốc tế. Sinh viên sẽ được cấp bằng chính quy nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình học, nếu có nguyện vọng, sinh viên có thể đăng ký chuyển tiếp để tiếp tục học tập tại các trường liên kết tại nước ngoài. Các chương trình này tuyển sinh bằng học bạ và trình độ tiếng Anh. Nếu sinh viên chưa đủ trình độ tiếng Anh có thể học thêm tại Trường Đại học Hà Nội trong 6 tháng.
Mặt khác, chương trình chính quy của nhà trường gồm hệ đại trà và chất lượng cao. Với chương trình chất lượng cao, sinh viên sẽ có nhiều điều kiện thực tập, kiến tập tại các cơ sở kinh doanh, đơn vị đối tác với nhà trường để kiểm nghiệm những kiến thức đã học trong môi trường thực tế. Sinh viên tốt nghiệp chương trình này được trường hỗ trợ tìm việc làm. Với các ngành ngôn ngữ chất lượng cao, sinh viên ra trường sẽ thành thạo hai ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh.
Trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên đi học tại nước ngoài qua các chương trình trao đổi. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, một năm trường có 250 đến 300 sinh viên đi học tại những trường đối tác, trong đó nhiều em đạt học bổng 100% hoặc học bổng bán phần chi trả tiền ở và tiền ăn trong quá trình học.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội dù thuộc khối ngành ngôn ngữ hay các chuyên ngành đào tạo bằng ngoại ngữ đều có nhiều cơ hội việc làm. Thực tế, sinh viên của trường hiện công tác trên tất cả lĩnh vực và có sức cạnh tranh cao nhờ vốn ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn tốt.
Cùng với đó, trường có phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp với mục tiêu tổ chức các chương trình hướng nghiệp, trò chuyện để tạo cơ hội giới thiệu sinh viên với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Trường Đại học Hà Nội cũng đang xây dựng phần mềm hội chợ việc làm nhằm tạo ra một nền tảng trực tuyến kết nối hiệu quả hơn giữa sinh viên và nhà tuyển dụng.
Thông tin chi tiết về chương trình đào tạo cũng như tuyển sinh của Trường Đại học Hà Nội được Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng giải đáp trong chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh 2020 do Đài truyền hình VTVcab phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI thực hiện.