Trường mở rộng đối tượng xét tuyển, nâng cao tỷ lệ xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ trong kỳ tuyển sinh 2020.
Thông tin được chia sẻ tại chương trình "On EduTalk - Tư vấn Tuyển sinh đại học" do Hệ thống giáo dục HOCMAI và Đài truyền hình VTVcab phối hợp tổ chức.
Tham gia chương trình có thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI; Tiến sĩ Đinh Minh Hằng - Trưởng phòng Công tác chính trị - Học sinh sinh viên - Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo sư, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Đức Thái - Trưởng khoa Toán - Tin Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Mở rộng đối tượng xét tuyển theo diện XTT2 và học bạ
Chia sẻ về phương thức tuyển sinh trong năm 2020, Tiến sĩ Đinh Minh Hằng cho biết, Đại học Sư phạm Hà Nội xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng được theo quy định tại khoản 2, điều 7 của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là XTT1). Ngoài ra, trường thực hiện 4 phương thức xét tuyển dưới đây:
Phương thức xét tuyển 1: Sử dụng kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 và xét tuyển theo các khối ngành. Điều kiện xét tuyển: thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT đạt loại khá trở lên.
Phương thức xét tuyển 2 (gọi tắt XTT2): Thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2020 có học lực giỏi cả 3 năm ở bậc THPT, 6 kỳ hạnh kiểm tốt và đạt một trong các điều kiện sau: là học sinh đội tuyển cấp tỉnh (thành phố) hoặc của trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; là học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố ở bậc THPT; là học sinh trường THPT chuyên hoặc các trường THPT trực thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; là học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học quốc tế đạt quy định của đề án tuyển sinh.
Năm nay, trường mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng theo diện XTT2, bao gồm: là học sinh trong đội tuyển cấp tỉnh, thành phố hoặc của trường THPT chuyên tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt từ 6.0 đối với IELTS, đạt từ 61 đối với TOEFL iBT hoặc 600 đối với TOEIC trở lên, chứng chỉ tiếng Pháp DELF từ B1 trở lên hoặc TCF từ 300 trở lên, chứng chỉ Tin học quốc tế MOS từ 950 trở lên.
Phương thức xét tuyển 3 (gọi tắt XTT3): Xét học bạ THPT. Trong năm 2020, Đại học Sư phạm Hà Nội nâng cao tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ. Điều kiện cần để xét tuyển học bạ đối với các ngành thuộc nhóm khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là: học sinh tốt nghiệp THPT năm 2020 có hạnh kiểm 6 kỳ học đạt loại tốt, đạt 3 năm học lực giỏi.
Đối với ngành Sư phạm tiếng Pháp nếu thí sinh học hệ song ngữ tiếng Pháp tại trường THPT và ngành Sư phạm Công nghệ yêu cầu đạt học lực lớp 12 loại giỏi. Đối với nhóm ngành ngoài sư phạm, thí sinh muốn xét tuyển theo phương thức XTT3 cần tốt nghiệp năm 2020, có hạnh kiểm tất cả các kỳ và học lực 3 năm ở bậc THPT đạt Khá trở lên.
Phương thức xét tuyển 4: Kết hợp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hoặc học bạ với kết quả thi các môn năng khiếu. Thí sinh phải đạt đủ điều kiện: đã tốt nghiệp THPT và có hạnh kiểm 6 kỳ học đạt loại khá trở lên.
Chia sẻ về sự điều chỉnh tỷ lệ xét tuyển của Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay, Tiến sĩ Đinh Minh Hằng cho biết, trường mở rộng nhiều phương thức xét tuyển thẳng và đối tượng xét tuyển để tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh.
Cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên hệ chất lượng cao
Trường hiện có 40 ngành đào tạo, trong đó có các ngành sư phạm truyền thống: Toán tin, Ngữ văn, Vật lí, Sinh học... và 14 ngành đào tạo ngoài sư phạm: Công tác xã hội, Tâm lí học, Ngôn ngữ Anh,.Việt Nam học... Hình thức đào tạo hệ chất lượng cao chiếm nhiều ưu thế và mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên trong trường.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Đức Thái, khoa Toán - Tin là một trong những khoa đầu ngành đào tạo hệ chất lượng cao Đại học Sư phạm Hà Nội. Sinh viên theo học hệ chất lượng cao sẽ có những lợi thế hơn trong học tập. Cụ thể: Hệ chất lượng cao được học thêm một số chuyên ngành toán mà hệ bình thường không học, nâng tổng tín chỉ chỉ lên 146 tín chỉ (sinh viên bình thường học 136 tín chỉ). Trường tuyển chọn đội ngũ giảng viên giỏi, có học hàm học vị cao, có các công trình nghiên cứu khoa học để giảng dạy chương trình hệ chất lượng cao.
Sinh viên học Hệ chất lượng cao của các khoa trong trường như khoa Toán tin, Khoa Vật lý, Khoa Hóa học, Khoa Sinh học, Khoa Ngữ văn, Khoa Lịch Sử, Khoa Địa lý... có nhiều cơ hội nhận học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học thế giới như Pháp, Đức, Nhật, Mỹ...
Ví dụ như sinh viên khoa Toán tin có cơ hội tìm kiếm việc làm rộng mở trong nước và quốc tế về các chuyên ngành liên quan đến Toán, như: làm công tác giảng dạy Toán học tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học, trung học cơ sở; làm công tác nghiên cứu ở tổ chức, cơ quan quản lý giáo dục, viện nghiên cứu về lĩnh vực Toán học; làm công tác quản lý tư liệu Toán học, Khoa học Tự nhiên...
Với sinh viên Khoa Ngữ văn, sinh viên của cả hệ CLC và hệ Sư phạm Ngữ văn cũng có nhiều cơ hội thực tập, thực hành và làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, THPT chuyên, trường THPT quốc tế, chất lượng cao và làm việc trong các ngành báo chí, biên tập, xuất bản...
"Theo truyền thống lâu năm của trường, đa phần sinh viên khoa Toán - Tin hệ chất lượng cao sau khi ra trường được giữ lại giảng dạy ở chính khoa Toán hoặc làm nghiên cứu ở viện Toán", Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Đức Thái chia sẻ.
Ngoài ra, trường có nhiều ngành ngoài sư phạm như: Toán học, Văn học, Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, Hóa học, Sinh học, Công nghệ thông tin, Việt Nam học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Anh, Triết học, Chính trị học, Tâm lý học trường học, Tâm lý học giáo dục, Công tác xã hội.
Ở ngành Tâm lý học trường học và Tâm lý giáo dục, sinh viên được tập trung đào tạo về tâm lý, hỗ trợ và tư vấn tâm lý, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tâm lý học trường học đang được xã hội và nhà trường quan tâm. Nhiều trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã có chuyên gia tâm lý, hỗ trợ học sinh. Đây là cơ hội mở cho các thí sinh yêu thích mảng giáo dục có liên quan đến tâm lý.