Thay đổi nội tiết tố làm gia tăng cảm giác đói, tăng lượng calo nạp vào cơ thể và lười hoạt động là những nguyên nhân khiến nhiều người tăng cân vào mùa lạnh.
Tăng cân vào mùa đông là hiện tượng phổ biến, thường do các yếu tố như ít hoạt động, tiêu thụ quá nhiều calo trong những ngày nghỉ. Nghiên cứu cũng cho thấy mọi người tăng cân vào mùa đông nhiều hơn so với mùa hè. Trong lượng cơ thể cũng cao nhất trong những tháng mùa đông và được duy trì trong phần còn lại của năm.
Dù những thay đổi nhỏ về cân nặng không phải điều đáng lo ngại, việc tăng cân đáng kể có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số khía cạnh sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến nhiều người tăng cân nhanh chóng trong những tháng mùa đông hoặc khi thời tiết trở lạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, lý do đầu tiên gây tăng cân vào mùa đông là lượng calo nạp vào cơ thể tăng lên. Điều này xuất phát từ khẩu phần ăn lớn, tần suất tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có hàm lượng calo cao cũng tăng.
Ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, mùa đông là thời điểm của các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tạ ơn, năm mới. Các ngày lễ được tổ chức kèm với những buổi tiệc thịnh soạn, bữa ăn sum họp gia đình.
Ngoài ra, người đi làm thường tham gia vào các buổi liên hoan công ty ở những nhà hàng phục vụ đồ ăn, thức uống có lượng calo cao. Món tráng miệng thường là bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy, đồ uống có cồn.
Do lượng calo hấp thụ tăng lên, người Mỹ trưởng thành tăng từ 0,4 đến 0,9 kg trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1. Dịp năm mới và Giáng sinh, cân nặng của người Nhật Bản tăng khoảng 0,5%. Nghiên cứu ở châu Âu cũng cho thấy người dân tăng 1,35% trọng lượng cơ thể vào cuối tháng 12.
Bên cạnh đó,thay đổi nội tiết tố trong mùa đông cũng làm gia tăng cảm giác đói. Nghiên cứu cho thấy mức độ melatonin, hormone chịu trách nhiệm cho chu kỳ ngủ - thức, cảm giác thèm ăn của cơ thể, tăng tới 80% trong mùa đông.
Giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể khiến nhiều người cảm thấy đói và tìm đến các món ăn vặt. Khi ấy, cơ thể tích tụ quá nhiều calo khiến cân nặng gia tăng.
Trạng thái ngày ngắn đêm dài của mùa đông khiến nhiều người lười hoạt động thể chất hơn. Đánh giá 26 nghiên cứu với 9.300 người tham gia từ 18 nước cho thấy con người hoạt động thể chất nhiều nhất vào mùa hè và ít nhất vào mùa đông. Ít hoạt động khiến lượng calo tiêu thụ thấp, gây tăng cân.
Trong khu vực văn phòng, nhân viên thường chỉ ngồi một chỗ và gần như không có các hoạt động thể chất. Với trẻ em, môi trường đô thị ngày càng chật hẹp khiến các em ít vận động, tương tác nhiều với máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử. Lúc này khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể, năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các cơ quan.
Một số người mắc chứngrối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), được biết đến với tên thông dụng là trầm cảm mùa đông. SAD là một loại trầm cảm xảy ra vào thời điểm cụ thể trong năm, thường là những tháng trời lạnh. SAD có thể phát triển từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào từng người và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng của SAD bao gồm thiếu năng lượng bất thường, sầu não, buồn ngủ quá mức, tăng cảm giác thèm ăn, thực phẩm có đường và giàu calo. Điều này khiến nhiều người ăn uống vô độ, thường xuyên tìm đến các loại bánh ngọt, đồ ăn chiên rán để cân bằng cảm xúc. Tuy nhiên, thói quen đó vô tình khiến họ tăng cân.
Nguyên nhân chính của SAD có liên quan đến sự thay đổi hormone và chất dẫn truyền thần kinh nhằm đáp ứng với lượng ánh sáng thấp vào ban ngày và những sự thay đổi về giấc ngủ.
Nhìn chung, tăng cân vào mùa đông chủ yếu do tiêu thụ quá nhiều calo. Các chuyên gia đề xuất một số giải pháp để kiểm soát cân nặng vào thời điểm cuối năm, khi mùa lễ, Tết gần đến. Theo các nhà khoa học, mọi người dân nhận thức rõ về thực phẩm, tập trung ưu tiên các loại đồ ăn lành mạnh bất cứ khi nào có thể.
Chuyên gia khuyến nghị lựa chọn những món ăn bổ dưỡng, ngon miệng như gà tây, salad, rau củ nước trong những bữa tối, cân nhắc kỹ lưỡng khi thưởng thức các món ăn có hàm lượng calo cao như bánh ngọt, phô mai. Bạn cũng nên duy trì tập thể dục, tương tác xã hội để cải thiện cả sức khỏe thể chất và tinh thần.