Hàm lượng protein và carb trong sữa hạnh nhân không đường rất thấp, dưỡng chất đa lượng chủ yếu mà bạn nhận được trong sữa này là chất béo có lợi.
Sữa có nguồn gốc thực vật không chỉ là thức uống bán chạy trong các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi mà còn là món “best-seller” tại quán nước.
Theo nhóm nghiên cứu người tiêu dùng Mintel, kể từ năm 2012, doanh số bán sữa thực vật tăng hơn 60% và 1/5 người Mỹ cho biết họ đang tiêu thụ ít sữa động vật hơn vì sức khỏe. Trong đó, sữa hạnh nhân là thức uống được ưa chuộng hơn.
Theo Health, sữa hạnh nhân là có doanh thu gần 1,5 tỷ USD chỉ trong năm 2020. Nhưng loại sữa này có thực sự tốt cho sức khỏe và tại sao nó lại được ưa chuộng hơn các loại sữa hạt khác?
Thành phần dinh dưỡng trong sữa hạnh nhân
Không có công thức nhất định nào để làm ra sữa hạnh nhân. Vì thế, việc phân tích thành phần dinh dưỡng của nó ở mỗi sản phẩm là khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung, hàm lượng protein và carb trong sữa hạnh nhân không đường (chỉ làm từ nước lọc và hạnh nhân) rất thấp. Do đó, dưỡng chất đa lượng chính mà bạn nhận được là chất béo có lợi.
Lượng chất béo đó còn tùy thuộc vào lượng hạnh nhân có trong sữa vì sản phẩm sẽ có tỷ lệ nước và hạnh nhân khác nhau. Nói cách khác, một số sản phẩm có chứa nhiều hạnh nhân hơn những sản phẩm khác, đây là yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích tiềm năng của sữa.
Ví dụ: Khẩu phần khoảng 227 ml sữa hạnh nhân không đường của một thương hiệu cung cấp 11 g chất béo tốt, 5 g protein thực vật và chỉ 3 g carbohydrate, không thêm đường. Một khẩu phần cung cấp 6% lượng sắt và 4% kali cần thiết hàng ngày.
Tất nhiên, đó chỉ là ví dụ về một loại sản phẩm. Thông thường, sữa hạnh nhân không đường chỉ chứa 2 thành phần gồm nước và hạnh nhân. Nhưng nếu sản phẩm được bổ sung các chất dinh dưỡng không có trong tự nhiên thì hàm lượng vitamin và khoáng chất trong sữa có thể thay đổi đáng kể.
Một số nhãn hiệu sữa hạnh nhân có thể bổ sung thêm canxi, vitamin D hay B12.
Ngoài ra, một số công ty bổ sung protein vào sữa hạnh nhân, chủ yếu là protein từ hạt đậu, có nguồn gốc từ đậu Hà Lan vàng tách đôi. Liệu những sản phẩm này có còn đủ tiêu chuẩn là sữa hạnh nhân hay không vẫn còn là vấn đề tranh luận.
So sánh sữa hạnh nhân với các loại sữa khác
Lý do chính khiến nhiều người chọn sữa thực vật là để tránh sữa gốc động vật, có thể họ bị dị ứng với hoặc đang theo chế độ ăn dựa trên thực vật.
Nhưng cả hai loại sữa đều rất khác nhau về mặt dinh dưỡng. Một cốc sữa bò cung cấp khoảng 8 g protein, 13 g carb và 0-8 g chất tách béo trong sữa nguyên chất. Sữa bò cũng cung cấp khoảng 25% canxi cần thiết hàng ngày.
Tuy nhiên, bạn không cần phải lấy canxi từ sữa để phát triển xương chắc khỏe, kể cả khi còn nhỏ hay khi trưởng thành.
Trong khi đó, một cốc sữa yến mạch không đường cũng có hàm lượng protein thấp, tối đa khoảng 3 g, nhưng lượng carbs cao hơn nhiều, thường là khoảng 16 g, với một vài g là chất xơ. Hàm lượng chất béo của sữa yến mạch cũng khác nhau, vì nhiều nhãn hiệu thêm dầu, vitamin và khoáng chất khác nhau dựa trên nhu cầu sử dụng.
Đối với sữa hạnh nhân có đường, bao gồm các vị như chocolate và vani, lượng đường thêm vào cũng khác nhau tùy theo nhãn hiệu.
Một cốc có thể cung cấp tới 12 g đường tương đương với 3 thìa cà phê, gần một nửa lượng đường bổ sung được khuyến nghị hàng ngày ở phụ nữ, theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
Nếu bạn chỉ tiêu thụ lượng sữa hạnh nhân bằng 1/4 tách cà phê thì lượng đường thêm vào thực sự là không đáng kể. Nhưng nếu bạn là lo lắng về việc bổ sung quá nhiều đường, bạn có thể cân nhắc dùng sữa không đường hoặc ngọt nhẹ. Các loại sữa ngọt nhẹ chứa khoảng 7 g đường bổ sung mỗi cốc, hoặc chỉ dưới 2 thìa cà phê.
Nếu bạn không thích uống sữa hạnh nhân đóng hộp thì hoàn toàn có thể tự làm tại nhà theo công thức riêng. Thông thường, các công thức sữa hạnh nhân tự làm yêu cầu một phần hạnh nhân và 3 phần nước. Nếu bạn thích vị ngọt nhẹ hoặc muốn thêm mùi khác thì có thể cho thêm vani hay socola tùy theo sở thích.
Lời khuyên khi lựa chọn sữa hạnh nhân
Một số sữa hạnh nhân có thể chứa những thành phần không mong muốn như chất bảo quản, dầu hướng dương, chất phụ gia,... Vì vậy khi lựa chọn sữa hạnh nhân bạn nên nghiên cứu kỹ nhãn hiệu có thành phần đơn giản, dễ nhận biết, bao gồm cả phiên bản dạng lỏng và không chứa nước.
Bạn có thể kết hợp nó với hầu hết đồ uống hay thức ăn như thêm sữa hạnh nhân vào cà phê, sinh tố, bột yến mạch hay yến mạch để qua đêm. Ngoài ra, bạn có thể dùng nó để làm bánh pudding hạt chia và kem làm từ thực vật.
Sữa hạnh nhân không đường cũng được sử dụng trong các món mặn như súp kem, nước sốt, súp lơ nghiền hoặc khoai tây và thịt hầm.
Chỉ uống sữa hạnh nhân nóng, để lạnh, hay pha chung với sữa nghệ vàng hoặc ca cao nóng cũng rất ngon.