Sử dụng thực phẩm chứa phẩm màu công nghiệp có thể gây thiếu máu, ngộ độc
11:52 17/08/2021
Để thực phẩm được ngon và bắt mắt nhiều tiểu thương đã sử dụng các loại phẩm màu công nghiệp có chứa chất độc hại có thể gây thiếu máu, ngộ độc cấp tính.
Ngộ độc do ăn thịt bò sốt vang chứa phẩm màu công nghiệp
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, đơn vị này mới tiếp nhận bệnh nhân T.Đ.M. (31 tuổi, Hà Nội) vào viện vì mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, kèm theo đi tiểu có nước tiểu màu đỏ.
Qua khai thác bệnh sử, được biết ba ngày trước, bệnh nhân ăn sốt vang được nấu từ thịt bò có cho bột Hoa Hiên mua tại chợ Yên Phụ - Tây Hồ. Cùng ăn có hai người nữa có biểu hiện tương tự nhưng nhẹ hơn.
Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tổn thương gan, biểu hiện nặng nhất là thiếu máu cấp với số lượng hồng cầu và huyết sắc tố đều giảm nặng. Các bác sĩ xác định đây là bệnh nhân có thể ngộ độc màu thực phẩm công nghiệp, đề nghị gia đình mang gói bột hoa hiên đã dùng để ướp thịt bò đến viện kiểm tra.
Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn hội chẩn với Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm xác định kết quả bệnh nhân ngộ độc với chất Acid Orage 7 hàm lượng 20%, chất này gây thiếu máu và methemoglobin. Đây là chất dùng trong nhuộm công nghiệp, chủ yếu là nhuộm len. Khi sử dụng thực phẩm có chứa chất này, người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng như nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), thậm chí bị suy gan, suy thận, tích lũy chất độc lâu ngày dẫn đến ung thư...
Ở Việt Nam, chất này khá dễ dàng mua trên thị trường, được dùng để nhuộm màu thức ăn cho đẹp như sốt vang, thịt quay... Ngày nay, các chất tạo màu được sử dụng phổ biến trong sản xuất, chế biến thực phẩm, bởi làm cho thực phẩm có màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên lạm dụng phẩm màu không trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm sẽ tiềm tàng những nguy hiểm.
Nguy cơ cho sức khỏe nếu lạm dụng phẩm màu trong thực phẩm
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Ngược lại, phẩm màu hóa học chỉ cần dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ.
Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Danh mục quy định chất màu được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế có 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng. Việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.
Nhưng hiện nay, việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người tiêu dùng, khá phổ biến. Hàng loạt món ăn như chim rán, vịt quay, hạt dưa, mứt kẹo, thịt bò khô, nước giải khát... được “nhuộm” màu thực phẩm xuất hiện trên thị trường.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, thông thường, không ai dùng phẩm màu tự nhiên quá ngưỡng cho phép vì nó quá đắt tiền, nhưng thường dùng vượt ngưỡng đối với phẩm màu hóa học hoặc phẩm màu công nghiệp (loại màu tuyệt đối không được sử dụng cho thực phẩm). Khi sử dụng những loại thực phẩm có nhiều phẩm màu, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng như nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), thậm chí bị suy gan, suy thận...
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin thêm, những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép, thì không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phẩm màu, hoặc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích lũy chất độc lâu ngày dẫn đến ung thư... Điều lo lắng hiện nay là hoạt động buôn bán hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm để cho ra đời các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt”.
Phòng ngừa tác hại của thực phẩm có phẩm màu
Để phòng ngừa tác hại của thực phẩm có nhuộm phẩm màu, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng cần chú ý sử dụng các chất màu tự nhiên có nguồn gốc thực vật. Không mua phẩm màu ngoài thị trường tự do, không rõ tên và nguồn gốc để chế biến thực phẩm tại gia đình. Chỉ mua các sản phẩm thực phẩm có nhãn mác và địa chỉ rõ ràng, hạn chế sử dụng các sản phẩm thực phẩm có màu sắc lòe loẹt.
Đối với các doanh nghiệp, khi chế biến thực phẩm nên dùng các màu tự nhiên cho các sản phẩm thực phẩm, chỉ dùng các phẩm màu nằm trong danh mục được phép sử dụng với liều lượng cho phép. Mặt khác, phẩm màu phải có độ tinh khiết cao và cần ghi rõ thành phần của sản phẩm thực phẩm, ghi rõ tên phẩm màu.
Người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu.
Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Và quan trọng là người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.