Rau cải cúc tốt cho người cao huyết áp và tăng cường sức khỏe mùa lạnh
20:02 12/12/2022
Rau cải cúc (rau tần ô) có vị đắng nhẹ, thơm, the, tính lành, giúp tăng cường sức khoẻ và hỗ trợ điều trị một số bệnh, đặc biệt tốt cho người cao huyết áp.
Rau cải cúc còn được gọi là rau tần ô, đồng hao,… là loại rau phổ biến được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, cải cúc còn được sử dụng như một vị thuốc, có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
Những bộ phận của cải cúc có thể sử dụng gồm lá và thân non, nhiều món ăn được chế biến từ loại rau này như nấu canh, dùng trong các món lẩu, salad,...
Cải cúc có giá trị dinh dưỡng cao, bao gồm: tinh dầu thơm, protein, chất béo, vitamin B, C, A, hydrat carbon, sắt, magie, mangan, kali, kẽm,…
1. Tác dụng của rau cải cúc
Cải cúc được biết là một loại rau nhưng có vị thuốc, có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, cụ thể:
- Hỗ trợ hạ huyết áp
Huyết áp cao là tình trạng phổ biến nhiều người gặp phải đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, các bệnh tim mạch,…
Trong cải cúc có chứa tinh dầu và axit amin có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp. Vì vậy, mọi người có thể bổ sung rau vào chế độ ăn hàng ngày.
Ngoài rau cải cúc, người bị huyết áp cao có thể lựa chọn thêm các thực phẩm khác như trái cây có múi, cá hồi và các loại cá béo, bí ngô, các loại đậu, rau dền, hạt dẻ, cần tây,…
- Hỗ trợ làm giảm chứng đau đầu kinh niên
Đau đầu kinh niên (đau đầu mãn tính) gây sự khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, bệnh tái phát nhiều lần trong năm, nhất là khi thời tiết thay đổi.
Những người bị đau đầu kinh niên có thể ăn rau cải cúc thường xuyên để hỗ trợ làm giảm triệu chứng. Ngoài ra, loại rau này giàu vitamin và axit amin nên rất tốt cho những người có tâm trạng lo lắng, ổn định cảm xúc, phòng ngừa bệnh hay quên.
Một số thực phẩm khác cũng tốt cho người bị đau đầu mãn tính như: bơ, khoai lang, cải bó xôi, cá hồi, hạnh nhân, chuối,... mọi người nên thay đổi các thực phẩm này trong chế độ ăn uống để bổ sung đa dạng dưỡng chất cho cơ thể.
- Hỗ trợ giải cảm, trị ho
Trong rau cải cúc có chứa vitamin A và C, có tác dụng ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêm đờm và tăng cường đề kháng.
Để hỗ trợ giảm cảm, trị ho, ngoài việc ăn cải cúc, mọi người có thể dùng thêm gừng, mật ong để làm giảm triệu chứng.
- Tốt cho hệ tiêu hóa và thúc đẩy sự thèm ăn
Rau cải cúc chứa hàm lượng chất xơ lớn nên rất tốt cho hệ tiêu hoá, thúc đẩy nhu động ruột, hỗ trợ đào thải độc tố trong trong đường ruột.
Hơn nữa, cải cúc có tác dụng tăng sự bài tiết của nước bọt nên tăng sự thèm ăn, rất tốt cho những người muốn tăng cân.
Ngoài những lợi ích trên, rau cải cúc còn giúp tăng sữa sau sinh, ngăn ngừa thiếu máu, hỗ trợ điều trị tình trạng hoa mắt, chóng mặt, làm đẹp da, tiêu sưng, lợi tiểu,...
2. Một số bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh từ rau cải cúc
Cải cúc có nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khoẻ. Mọi người có thể tham khảo một số bài thuốc được làm từ cải cúc.
Lưu ý, những bài thuốc này chỉ mang tính hỗ trợ điều trị, không thay thế cho những chỉ định từ bác sĩ. Ngoài ra, nên tham khảo bác sĩ trước khi áp dụng các bài thuốc này.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị ho
Dùng khoảng 6g lá cải cúc thái nhỏ, sau đó cho thêm một chút đường, rồi đem hấp (có thể cho vào nồi cơm). Sử dụng nước tiết ra, chia uống nhiều lần trong ngày.
- Bài thuốc hỗ trợ hạ huyết áp
Những người bị huyết áp cao có thể dùng cải cúc làm loại rau ăn hàng ngày. Hoặc ép rau cải cúc để uống. Tuy nhiên, đối với những người có chỉ số huyết áp cao, được bác sĩ chỉ định dùng thuốc, chỉ nên dùng bài thuốc từ cải cúc để hỗ trợ điều trị.
Mọi biện pháp như dùng thuốc hạ áp, chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học,... cần được áp dụng.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau đầu kinh niên
Để sử dụng bài thuốc này, mọi người kết hợp thân, rễ và hoa của rau cải cúc, đem nấu chín và sử dụng nước này. Mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 30g.
Ngoài ra, mọi người có thể dùng lá cải cúc khô được hâm nóng, sau đó hơ trên đầu và thái dương. Nên áp dụng trước khi đi ngủ, như vậy bạn sẽ có giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn. Lưu ý, không nên áp sát hoa cải cúc còn nóng vào trán hoặc thái dương, điều này có thể khiến bạn bị bỏng.
- Bài thuốc giúp giảm cảm
Để giúp giảm cảm, mọi người có thể nấu chung cải cúc với cháo, kết hợp với hành khô. Nên thưởng thức khi cháo còn ấm nóng. Mỗi ngày nên ăn từ 1 đến 2 bát cháo nấu với cải cúc để tăng hiệu quả giảm cảm.
Ngoài các bài thuốc trên, để dùng cải cúc làm vị thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, mọi người có thể sử dụng cải cúc như các loại rau hàng ngày hoặc phơi khô rồi sắc lên lấy nước để uống.
3. Những ai không nên ăn rau cải cúc
Mặc dù có nhiều lợi ích sức khỏe nhưng một số trường hợp sau không nên ăn loại rau này, vì có thể gây nguy hại đến sức khoẻ:
- Bị tiêu chảy, lạnh bụng: Cải cúc có tác dụng nhuận tràng, tính hàn. Do đó, nếu bị tiêu chảy hoặc lạnh bụng mà ăn loại rau này, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: Rau cải cúc có thể khiến trẻ dưới 1 tuổi khó tiêu. Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế ăn loại rau này.
- Người bị huyết áp thấp: Vì có tác dụng hạ huyết áp đối với những người bị huyết áp cao, nên loại rau này có thể gây tụt huyết áp đối với người bị huyết áp thấp, gây chóng váng, mệt mỏi.
Có thể nói, cải cúc là loại rau rất tốt cho sức khoẻ, nhất là những người cao huyết áp. Tuy nhiên, để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, ngoài cải cúc, mọi người nên bổ sung những loại rau khác như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn, các loại củ quả,... các loại rau củ này đều có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, tăng cường hệ miễn dịch.