Người phụ nữ 66 tuổi đại tiện lẫn máu, đi khám phát hiện khối u sùi loét chiếm gần hết trực tràng.
Kết quả sinh thiết xác định là ung thư trực tràng, nhập viện khoa Phẫu trị - Xạ trị & Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, phẫu thuật ngày 3/5. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy khối u lớn, xâm lấn ra ngoài thanh mạc và cả ruột thừa, cắt đoạn trực tràng và ruột thừa, nạo vét hạch, làm miệng nối trực tràng thấp cho người bệnh.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đại tiện bình thường. Giải phẫu bệnh cho kết quả là ung thư biểu mô thần kinh nội tiết tế bào lớn xâm nhập mạch, xâm lấn qua thanh mạc, xâm lấn lớp cơ ruột thừa (Large cell Neuroendocrine carcinoma). Đây là một trong những thể ung thư hiếm gặp tại trực tràng. Bệnh ung thư của bà đã ở giai đoạn 3.
Khối u thần kinh nội tiết có nhiều loại, trong đó có 3 loại chính là: pheochromocytoma, ung thư tế bào Merkel và ung thư biểu mô tế bào thần kinh nội tiết. Ung thư biểu mô thần kinh nội tiết bắt nguồn từ các tế bào sản xuất hormone của hệ thống thần kinh nội tiết trong cơ thể, bao gồm phổi, não và đường tiêu hóa... Theo số liệu thống kê tại Mỹ, tỷ lệ mắc ung thư thần kinh nội tiết là 1/14.300 dân.
Theo các bác sĩ, điều trị ung thư thần kinh nội tiết cần điều trị đa mô thức phẫu thuật, xạ trị, hóa trị tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Trường hợp bệnh nhân trên đây phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, do đó đã tiếp tục được điều trị hóa trị, xạ trị bổ trợ.
Ung thư đại trực tràng hiện xếp thứ 5 trong số các ung thư phổ biến nhất Việt Nam, đứng sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Dự báo đến năm 2025, ung thư đại trực tràng sẽ đứng hàng thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới. Mỗi năm nước ta ghi nhận gần 15.000 ca mắc ung thư đại trực tràng mới và khoảng 7.000 ca tử vong do căn bệnh. Tỷ lệ ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh.
Các bác sĩ nhận định các khối u thường phát triển từ những khối polyp tiền ung thư và diễn biến thầm lặng, bởi vậy, đa số bệnh nhân chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Một số dấu hiệu của ung thư trực tràng như rối loạn đại tiện, táo bón kéo dài, liên tục xuất hiện cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên, đi ngoài không hết phân; đau bụng, đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen, mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, những người ngoài 50 tuổi, gia đình có tiền sử bị ung thư đại trực tràng, tiền sử polyp đại tràng, có chứng viêm ruột, lối sống không lành mạnh, có bệnh lý nền về đái tháo đường... dễ mắc ung thư trực tràng hơn.
Chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám nếu thấy xuất hiện triệu chứng bất thường. Người dân nên xây dựng lối sống khoa học, chế độ ăn nhiều rau xanh, tập thể dục thường xuyên. Thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ 2 lần một năm để sàng lọc sớm các yếu tố nguy cơ, giúp phát hiện polyp và ung thư trực tràng thông qua phương pháp khám lâm sàng, xét nghiệm chuyên sâu, nội soi...