Nhiều người đau bụng, đau vùng thượng vị, đi ngoài phân lỏng, đi khám phát hiện ung thư đường tiêu hóa giai đoạn nặng.
Hai tuần trước, ông Nam 55 tuổi ở Vĩnh Phúc, đau bụng vùng thượng vị, cơn đau tăng sau khi ăn, đầy bụng khó tiêu, ăn uống kém, sụt 5 kg trong ba tuần. Ông có tiền sử viêm dạ dày, đến Bệnh viện Medlatec xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang tim phổi và nội soi dạ dày.
Bác sĩ Lê Văn Khoa, Chuyên khoa Tiêu hóa, cho biết ở thân vị dạ dày của bệnh nhân có tổn thương sùi loét lớn, dễ chảy máu, hang vị niêm mạc phù nề, sung huyết. Do vậy, trong quá trình nội soi, bác sĩ tiến hành sinh thiết 5 mảnh tại bờ tổn thương làm mô bệnh học, nghi u lympho ác tính. Sau đó kết quả hóa mô miễn dịch xác định đúng là u lympho tế bào B lớn lan tỏa. Tìm ra chính xác căn nguyên gây bệnh, ông Nam chuyển đến Bệnh viện K phẫu thuật và điều trị.
Trường hợp khác, người đàn ông 44 tuổi khoảng 4 tháng nay đau bụng vùng thượng vị kèm theo đau tức sau xương ức, nuốt nghẹn, nuốt vướng, ợ hơi chua, sụt 4 kg. Ông hút thuốc lá, thuốc lào 25 năm, thỉnh thoảng uống ít rượu, gia đình không có ai mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Bác sĩ nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng bệnh nhân, ghi nhận tại vị trí thực quản bề mặt tổn thương sần sùi nham nhở, có loét dễ chảy máu khi chạm đèn soi. Kết quả giải phẫu bệnh là Carcinoma vảy sừng hóa, bệnh nhân được xác định K thực quản.
Đây là hai trong rất nhiều trường hợp phát hiện ung thư đường tiêu hóa chỉ với các dấu hiệu mờ nhạt như đau đụng, ăn uống kém, sụt cân... Bệnh này dễ nhầm lẫn với những bệnh về tiêu hóa thông thường nên người bệnh thường chủ quan, khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư vùng miệng, vòm họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn. Nhóm ung thư này chiếm 30% trong các loại ung thư, phổ biến ở người châu Á, cả nam lẫn nữ giới đều có nguy cơ mắc như nhau. Bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến là thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn.
Theo thống kê của Globocan năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày gần 10% và ung thư đại trực tràng là 9% trong tổng số 182.563 ca ung thư tại Việt Nam. Ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc cao chỉ sau ung thư gan, phổi ở nam giới và ung thư vú, ung thư phổi ở nữ giới.
"Ô nhiễm môi trường, thực phẩm tồn dư hóa chất/chất bảo quản, lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, uống bia rượu, đồ ăn quá nhiều muối...) là những nguyên nhân chính khiến bệnh đường tiêu hóa ở nước ta ngày một gia tăng và có xu hướng trẻ hóa", bác sĩ Khoa nói.
Từ thực tế thăm khám bệnh, bác sĩ Khoa cho biết bệnh diễn biến âm ỉ, thầm lặng nên đa số bệnh nhân đi khám đều phát hiện ung thư ở giai đoạn tiến triển, xâm lấn các tổ chức, di căn hạch, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém, tăng nguy cơ đối diện với cửa tử. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm hoặc các tổn thương ở giai đoạn tiền ung thư.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống quá nhiều bia rượu. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học như ăn nhiều rau quả, trái cây. Tránh thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần. Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý và nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm/lần ở những người có yếu tố nguy cơ như thói quen hút thuốc, uống nhiều bia rượu, tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc ung thư, thừa cân/béo phì hoặc người có nhu cầu kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, nếu nuốt nghẹn, sụt cân, thay đổi tính chất phân kéo dài... cần đi khám ngay.