Các quận, huyện tại Hà Nội đẩy mạnh phòng dịch sốt xuất huyết
17:23 16/09/2022
Đứng trước số ca mắc tăng nhanh và đã xuất hiện trường hợp tử vong, các quận, huyện thuộc Hà Nội đều có động thái phòng dịch chủ động từ sớm.
Sau khi dịch sốt xuất huyết tại khu vực phía nam đang có những dấu hiệu chững lại, số ca mắc tại phía bắc, nhất là Hà Nội lại đang cho thấy xu hướng tăng mạnh. Đứng trước nguy cơ lớn, các địa phương đang tích cực đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch.
Số ca mắc tăng cao
Theo thống kê mới đây, quận Long Biên đến nay đã có tổng cộng 68 ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn. Đáng chú ý, trong số này, quận đã ghi nhận một trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết phân bổ rải rác tại 11/14 phường.
Báo cáo của 2 phòng khám đa khoa trên địa bàn quận Long Biên là Bồ Đề và Sài Đồng, 14 trạm y tế phường cũng như một số cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập cho thấy số bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết trong thời gian qua có xu hướng tăng nhanh.
Cụ thể, tính riêng từ ngày 14/7 đến 12/9, các cơ sở này tiếp nhận tới 777 trường hợp, gồm cả những người ở quận, huyện khác. Riêng trong tháng 8 và đầu tháng 9, số lượng này đã lên tới 130 ca.
Trong khi đó, tại huyện Phúc Thọ, 70 ca mắc sốt xuất huyết đã được ghi nhận, phân bổ tại 12/21 xã, thị trấn trên địa bàn.
Đáng chú ý, số ca mắc sốt xuất huyết cho thấy tốc độ tăng nhanh, liên tục từ tháng 8. Trong 14 ngày đầu tháng 9, địa phương này ghi nhận 40 ca mắc sốt xuất huyết tập trung tại các xã Liên Hiệp, Hát Môn, Thanh Đa, Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Vạn Phúc.
Chủ động phòng dịch từ sớm
Từ đầu năm 2022, Trung tâm Y tế quận Long Biên đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời tuyên truyền về phòng dịch tới các khu dân cư, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn.
Cụ thể, cơ quan này đã cấp phát 32.674 tờ rơi đến từng hộ gia đình, tổ chức 12 buổi tuyên truyền tại 12/14 phường với 2.164 người tham dự.
Trung tâm Y tế quận Long Biên cũng đã phối hợp với UBND các phường tổ chức 2 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết trên phạm vi toàn quận vào tháng 6 và tháng 7 với 3.351 người tham gia.
Đã có 84.649/86.198 hộ gia đình được kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường, đạt 98,2%. Hàng tuần, địa phương này duy trì công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy vào sáng thứ 7, tập trung tại 38 tổ/14 phường với 257 khu vực, địa điểm trọng điểm, nguy cơ, có nhiều dụng cụ, phế liệu, phế thải chứa nước, bọ gậy.
Bên cạnh đó, công tác giám sát dịch tễ, đánh giá nguy cơ dịch bệnh được triển khai thường xuyên; kịp thời can thiệp, xử lý môi trường, phun thuốc diệt muỗi chủ động tại các khu vực nguy cơ cao.
Tại huyện Phúc Thọ trong những ngày qua, trung tâm y tế đã phối hợp với UBND xã Hiệp Thuận cùng các ban ngành, đoàn thể tổ chức tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực công cộng, ổ dịch.
Đồng thời, địa phương này cũng thực hiện việc thu gom phế thải, phát quang bụi rậm, vệ sinh tất cả dụng cụ chứa nước tại các khu vực công cộng, khu dân cư…
Trong khi đó, thời gian qua, Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai cũng đã phối hợp 14 phường tổ chức 2 đợt tổng vệ sinh môi trường với 18 chiến dịch diệt bọ gậy, qua đó chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Cụ thể, cơ quan này đã kiểm tra bọ gậy tại 73.781 hộ gia đình, loại trừ được 3.528 ổ bọ gậy, thả 7.047 con cá. Bên cạnh đó, trong công tác truyền thông, trung tâm đã cấp phát 59.762 tờ rơi phòng chống sốt xuất huyết, huy động 1.412 cán bộ, cộng tác viên tham gia thực hiện chiến dịch. Triển khai giám sát muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các ổ dịch và khu vực nguy cơ cao.
Mặt khác, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng phối hợp với ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tổ chức lớp tập huấn về công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue với gần 200 học viên tham dự.
BS Cấp đã chia sẻ những kiến thức cơ bản các vấn đề liên quan về sốt xuất huyết, hướng dẫn chẩn đoán, phân loại, xử trí và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Qua buổi tập huấn, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe những kiến thức cũng như là kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue từ mức độ nhẹ đến nặng, từ đó nâng cao công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue, bảo đảm điều trị đúng và kịp thời, hạn chế để bệnh nhân chuyển nặng và giảm thiểu tử vong do sốt xuất huyết.