Ông Nguyễn Đăng Quang: Cửa hàng VinMart sẽ trở thành điểm cung cấp dịch vụ tài chính, thanh toán số
15:57 26/04/2021
Chủ tịch Masan cho biết, ít nhất 50% cửa hàng VinMart sẽ được phát triển để trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số.
Chia sẻ trong báo cáo thường niên, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) - ông Nguyễn Đăng Quang thừa nhận rằng thương vụ mua lại VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng VinMart và VinMart+) khiến Masan tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD.
Ông Quang cho biết, thương vụ này khiến Masan vốn đã đa ngành còn trở thành đa ngành hơn nữa và tiếp tục khắc sâu những nghi ngại là các thương vụ mua bán sáp nhập của tập đoàn dường như không đạt được các mục tiêu chiến lược và tài chính như mong muốn. Tuy nhiên, tập đoàn đã có kế hoạch từng bước để khẳng định quyết định này không sai.
“Đôi khi, lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt. Chúng ta chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng của một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trội. Masan vận hành với nguyên tắc đơn giản, khi nền móng không vững chắc, ngôi nhà nhất định sẽ bị lung lay”, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.
Sau khi tiếp nhận VinCommerce, Masan đã đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa, tinh gọn danh mục hàng hóa, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.
Kết quả cho thấy VinCommerce đã đạt EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) hoà vốn trong Quý 4/2020 và dự kiến đạt EBITDA dương vào Quý 1/2021.
Đây là nền tảng để Masan xây dựng một doanh nghiệp có quy mô doanh thu 7 - 10 tỉ USD và lợi nhuận gộp tăng trưởng 2 chữ số vào năm 2025 cho lĩnh vực bán lẻ.
Theo ông Quang, kế hoạch 5 năm tới của Masan là phục vụ 30 - 50 triệu người tiêu dùng thông qua mạng lưới 10.000 cửa hàng bán lẻ tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền.
Trong đó, chuỗi cửa hàng VinMart và VinMart+ sẽ trở thành điểm đến “tất cả trong một” (one-stop shop) phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.
“Chúng ta sẽ phát triển ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số.”, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết.
Chủ tịch Masan cho biết thêm, Techcombank sẽ là đối tác cung cấp các dịch vụ tài chính cho tập đoàn.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 sắp tới, Masan dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chào bán riêng lẻ tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành cho nhà đàu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Năm 2021, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 92.000 – 102.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty từ 2.500 – 4.000 tỉ đồng./.