Những "thần y" kê đơn qua điện thoại (Bài 2): Bóc mẽ công nghệ đào tạo "thần y giấu mặt"
11:44 14/05/2021
Trong căn phòng rộng hơn 50m2, những "thần y giấu mặt" hóa ra là các bạn trẻ độ tuổi từ 18 đến 23 tự nhận mình là chuyên viên, chuyên gia, dược sĩ làm việc tại các bệnh viện nổi tiếng ở Hà Nội.
Đầu tháng 4/2021, Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã thâm nhập vào một cơ sở đào tạo nhân viên bán thực phẩm chức năng với nhiều "dược sĩ, chuyên viên, chuyên gia" về lĩnh vực sinh sản, hiếm muộn. Hóa ra, các "thần y giấu mặt" lại là các thanh niên có độ tuổi rất trẻ.
Thâm nhập lò luyện "thần y"
Sau nhiều cuộc điện thoại liên hệ, tìm hiểu "mua thuốc" được quảng cáo trên Youtube, Facebook, chúng tôi nhận thấy mô típ quen thuộc được các "thần y" sử dụng để mời chào người tiêu dùng.
Một là, làm clip quảng cáo chuyên nghiệp trên Youtube, Facebook, thậm chí tự gắn logo các đài truyền hình vào.
Hai là, có một bộ phận "chuyên gia, tư vấn viên" làm việc sau khi có số điện thoại của khách hàng.
Ba là, các bài tư vấn, dù với bệnh nào cũng có "bài" tương tự nhau: giới thiệu đến từ những nơi uy tín, làm quen, bắt bệnh, mời chào liệu trình sử dụng "thuốc" trong ba tháng với giá vài triệu đồng.
Bốn là, tìm nhiều lý do để khách không đến "phòng khám, trung tâm" mà "thuốc" được chuyển đến tận tay khách hàng.
Như thế, quy trình khép kín từ khi "thần y" bắt bệnh xuyên không tiếp xúc khách hàng, cho đến khi "thuốc" đến tay người mua, hai bên không chạm mặt nhau.
Mất nhiều thời gian và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ chúng tôi đã tìm được một địa chỉ có "phong cách" hoạt động như trên.
PV Dân Việt đã nộp hồ sơ, xin làm việc tại một địa chỉ được giới thiệu là chi nhánh thuộc Công ty TNHH Phát triển công nghệ ALGO (Công ty ALGO) trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội.
Công ty ALGO lập ra với ngành nghề chính là buôn bán thực phẩm (cụ thể là thực phẩm chức năng), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu....
Các sản phẩm là thực phẩm chức năng được Công ty này kinh doanh liên quan đến sinh sản như: Ago Mom; Ago Women; Ago Beauty; Ago Eva, Ago Dad, Ago Men... Các sản phẩm này đều đã đăng ký công bố với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Nhưng cách thức bán những sản phẩm chức năng này được đội ngũ "chuyên gia" "phù phép" thành thuốc. Quá trình thâm nhập của PV đã cho thấy quy trình đào tạo, cách thức làm việc của đội ngũ này.
Qua nhiều khâu kiểm tra, xác minh lý lịch, chúng tôi được một người tên N (SN 1999) dẫn đến tầng 2, tòa nhà 21A6, khu thương mại dịch vụ, chung cư ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để nộp hồ sơ.
N dẫn chúng tôi đến gặp một người tên Trinh (sinh năm 1993) để phỏng vấn. Các nhân viên tại đây đều gọi Trinh là Giám đốc chi nhánh.
Trinh dùng nhiều câu hỏi để kiểm tra độ chính xác về thông tin quê quán, công việc của phóng viên, đồng thời còn yêu cầu chúng tôi cung cấp cả chứng minh thư và sổ hộ khẩu trong hồ sơ xin việc.
Sau khi vượt qua bài kiểm tra của Trinh, chúng tôi được nhận vào làm. Từ đây, PV Dân Việt được trải nghiệm quy trình trở thành chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn sức khỏe sinh sản chỉ trong một vài ngày.
Quy định một đằng, làm một nẻo
Tại căn phòng tầng 2, phía công ty ALGO đề tấm biển to ghi rõ những việc không được làm của nhân viên.
Trong đó có các điều khoản như: Không xưng danh là bác sĩ, dược sĩ, lương y; Không được dùng từ ngữ thuốc; Tuyệt đối nhân viên sale không được dùng zalo có sử dụng hình ảnh, giấy phép không phải của mình...
Nhưng những gì phóng viên tận thấy tai nghe, ghi lại trong nhiều ngày thâm nhập lại hoàn toàn khác. Những gì ghi trên tấm bảng "Tư vấn chuẩn, đúng sự thật" chỉ như một hình thức đối phó nếu bị kiểm tra.
Những dược sĩ, chuyên viên, khi liên hệ với khách hàng vô tư xưng danh là Trưởng phòng, Phó phòng công tác tại bệnh viện lớn, giới thiệu sản phẩm của mình là thuốc và được nhiều bệnh viện nhập về để bán.
Ngoài ra, nhiều nhân viên mặt non choẹt, tuổi đời còn rất trẻ nhưng đều xưng anh chị với những người lớn hơn mình nhiều tuổi và mục đích cuối cùng là để "chốt đơn" từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Sau khi gọi điện, nắm bắt tâm lí khách hàng, khung cảnh trở nên nhốn nháo khi nhiều "dược sĩ ưu tú", "chuyên gia sinh sản" tranh nhau nói, tư vấn và bắt đầu bắt bệnh, kê đơn, với vẻ mặt hân hoan.
Dù không có chuyên môn nhưng nhiều nhân viên ở đây đều xưng là dược sĩ hoặc chuyên viên tư vấn sinh sản đến từ nhiều nơi khác nhau, hoặc nói chung chung, khách hỏi thì nói, không thì thôi.
"Chào em, anh là Phong hiện đang công tác tại bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội; Chào em, anh Duy, Trưởng phòng....", khung cảnh chào hỏi nhộn nhịp cả ngày trong căn phòng tại tầng 2.
Trước mắt chúng tôi, bên này một dược sĩ đang khám bệnh, bên kia một Phó phòng đang kê đơn, lên liệu trình.
Là người mới, chúng tôi được phát một bộ tài liệu hướng dẫn cách bắt bệnh qua điện thoại với tình trạng bệnh lí như nhau, chỉ cần học thuộc, nhớ, nắm rõ và gọi điện tư vấn.
"Bộ tài liệu" gồm tổng hợp kiến thức về bệnh, quy trình tư vấn (quy trình này chúng tôi đã khá quen qua những lần tiếp xúc với chuyên gia qua điện thoại), rồi thêm một tập hướng dẫn cách trả lời khi khách hàng đặt những câu hỏi "ngược lại" cho chuyên gia.
Điều quan trọng nhất chúng tôi được hướng dẫn, đó là nhân viên tư vấn phải "đánh" vào tâm lý của khách hàng để bán sản phẩm.
Đào tạo chuyên gia trong một ngày
Buổi đi làm đầu tiên, Phương Anh (được nhân viên ở đây gọi là quản lí nhân sự) chỉ cho chúng tôi những "bí quyết" trở thành chuyên gia để có thể chốt đơn hàng với khách.
Mặc dù Phương Anh nói công ty đang bán thực phẩm chức năng, nhưng tập tài liệu trên tay chúng tôi đầy rẫy dòng tư vấn là thuốc, là sản phẩm được Bộ Y tế công nhận, giới thiệu là dược sĩ....
Phương Anh cho biết: "Nếu khách hàng hỏi thì mới nói là dược sĩ, còn không thì trong quá trình tư vấn anh cứ tránh ra, không nhắc đến. Về sản phẩm cũng thế, khách quen hỏi anh cứ nói là thuốc hỗ trợ điều trị".
Trong căn phòng nhỏ, hàng chục nhân viên chốt đơn không ngừng nghỉ từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối. Tại đây, quy tụ nhiều bạn còn rất trẻ, có những thanh niên sinh năm 2000 - 2001 nhưng đã tập làm "chuyên gia, dược sỹ".
Mỗi nhân viên được cấp hoặc tự lập một tài khoản zalo với tên gọi chuyên gia sinh sản, chuyên vô sinh hoặc hiếm muộn, lấy hình ảnh một người mặc áo trắng – áo Blue (áo bác sĩ)? để tạo niềm tin với khách hàng.
Sau khi học xong lí thuyết, trưởng nhóm (Leader) sẽ nhồi nhét vào đầu nhân viên mớ lý thuyết đặc sệt văn hóa đa cấp như hô hào, tuyên thệ, đặt mục tiêu, làm mọi cách để chốt được đơn.
Trong nhiều ngày tại đây, phóng viên còn chứng kiến nhiều mánh lới, các chuyên gia, dược sĩ "dởm" dùng để nắm tâm lí và bán thuốc cho khách hàng.
Đón đọc Bài 3: Cách thức các "thần y online đe nẹt" khách hàng