Cho trẻ ăn dặm quá sớm hay quá muộn, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt nhưng ít chơi đùa, hoạt động thể thao... là những nguyên nhân liên quan đến chế độ dinh dưỡng, vận động, khiến 1/3 số trẻ nhỏ gặp phải các vấn đề phát triển thể chất. Đó là ghi nhận của các bác sĩ chuyên Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ thông qua chương trình khám sức khỏe tổng quát và tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho trẻ trong tuần đầu của tháng 6.
Mỗi ngày, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ tiếp nhận từ 50 - 60 trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 1 tuần sau sinh cho đến dưới 16 tuổi ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL được cha mẹ đưa đến khám sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng. Một số cặp vợ chồng trẻ mới sinh con đầu lòng, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, khá lo lắng mỗi khi con ộc sữa hay quấy khóc đêm khuya. Theo BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, trong trường hợp này, cần tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, vì sữa mẹ giúp trẻ phát triển tốt, nâng cao kháng thể phòng ngừa bệnh tật, đồng thời cũng giúp bà mẹ trẻ mau lấy lại vóc dáng. Tình trạng bé lâu lâu ộc sữa chỉ là biểu hiện sinh lý, chưa đáng lo ngại, cha mẹ cứ tiếp tục theo dõi. Không gian phòng ngủ và giường ngủ cho con cần được giữ thông thoáng nhưng vẫn đủ ấm áp...
Thông qua mạng xã hội Facebook, biết về chương trình khám sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ miễn phí, vợ chồng chị Hằng Ni (ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đưa hai con trai, một cháu 10 tuổi và một cháu 8 tuổi đến BV Phụ sản TP Cần Thơ thăm khám sức khỏe. Chị Ni cho biết, thấy hai đứa “ròm” quá, lại biếng ăn dù chị cũng chịu khó nấu đổi món mỗi ngày. Qua kiểm tra tổng trạng của hai bé cùng với kết quả một số xét nghiệm, BS CKI Thạch Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh cho chị Ni biết, các con đều phát triển bình thường, chiều cao, cân nặng so với độ tuổi ở ngưỡng cho phép. Để nâng cao thể trạng, nhất là thúc đẩy phát triển chiều cao, bác sĩ hướng dẫn mẹ bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, cân đối bữa ăn hợp lý cho các con, đồng thời, khuyến khích trẻ tăng cường vận động, tham gia các môn thể thao, hoạt động ngoài trời.
Theo BS Thạch Thị Ngọc Yến, qua chương trình thăm khám cho các bé, khoảng 1/3 trong tổng số trẻ đến khám có vấn đề liên quan đến dinh dưỡng. Đa phần do chế độ dinh dưỡng của con chưa phù hợp, bà mẹ cho con ăn dặm sớm quá hoặc trễ quá. Lứa tuổi ăn dặm phù hợp nhất bắt đầu khi trẻ được 6 tháng tuổi. Nhiều bà mẹ sợ đường tiêu hóa của con còn “non”, chưa dung nạp được thức ăn, đợi đến khi trẻ 10-11 tháng tuổi mới tập ăn cho trẻ thì đã trễ. Ngược lại, một số bà mẹ sợ con bú mẹ không đủ chất, cho con ăn từ 3-4 tháng tuổi.
BS Ngọc Yến tư vấn cho các bà mẹ về sự phát triển thể chất của trẻ, phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển không chỉ về thể chất, trí tuệ mà còn phát triển hệ thống miễn dịch tốt. Trẻ nhỏ nên bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. Sau đó, nên cho trẻ tiếp cận chế độ ăn dặm, từ lỏng tới đặc, từ bột ngọt tới bột mặn rồi tới cháo rây, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm gồm tinh bột, đạm, dầu mỡ và rau củ. Các bác sĩ ghi nhận, nhiều bà mẹ thường quan tâm kỹ sự phát triển chiều cao, cân nặng của con dưới 6 tháng tuổi hoặc năm đầu đời, nhưng sau đó lại lơ là, ít khám sức khỏe tổng quát hay tầm soát các vấn đề dinh dưỡng cho trẻ.
Bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ lưu ý theo dõi sát sức khỏe của bé, thực hiện chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động cân bằng, hợp lý. Đặc biệt, chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bé từ 1-3 tháng ngay khi chưa có biểu hiện bệnh lý. Đối với trẻ béo phì thì chế độ dinh dưỡng phải hạn chế các thức ăn chiên xào, tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau xanh, vận động thường xuyên. Đối với trẻ suy dinh dưỡng, cần điều chỉnh lại chế độ ăn, bổ sung vi chất bị thiếu. Phụ huynh nên chăm chút bữa ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh tại nhà cho trẻ. Đồng thời, khuyến khích các bé tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe.