Đậu nành có thể gây ung thư vú, hay sữa hạt tốt hơn sữa bò... là một số hiểu lầm thường gặp được các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra.
Rau củ tươi lành mạnh hơn rau củ đóng hộp
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, thực chất các loại rau củ đông lạnh, đóng hộp, sấy khô có thể có hàm lượng dinh dưỡng như các loại tươi. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những sản phẩm này khá tiện lợi khi có thể đảm bảo luôn có rau củ trữ sẵn trong nhà. Tuy nhiên, một lưu ý được đưa ra là cần phải đọc nhãn dinh dưỡng cẩn thận để tránh các sản phẩm có thêm nhiều muối, chất béo hoặc đường.
Tất cả các loại chất béo đều xấu
Năm 1940, một nghiên cứu khoa học công bố cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo sẽ dẫn đến mức cholesterol cao và gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đến năm 1980, nhiều bác sĩ, chuyên gia tiếp tục cho biết chế độ ăn ít chất béo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không đưa ra được các bằng chứng vững chắc chứng minh việc áp dụng chế độ ăn này sẽ ngăn chặn bệnh tim, quá cân, béo phì...
Theo bác sĩ Dr. Vijaya Surampudi từ Đại học California, những thông tin trên dẫn đến hệ quả là nhiều người thay thế lượng calorie từ chất béo thành các thức ăn chứa nhiều tinh bột tinh chế và đường, khiến tỷ lệ béo phì và thừa cân gia tăng nhanh hơn.
Bác sĩ cho biết, không phải mọi loại chất béo đều xấu. Trong các loại chất béo, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ, còn chất béo không bão hoà đơn (có trong oliu, các loại dầu như dầu bơ, hoặc các loại hạt) và chất béo không bão hòa đa (tìm thấy trong hướng dương, cá, hạt lanh) lại giúp giảm nguy cơ mắc những bệnh trên.
Chất béo tốt đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng, hỗ trợ chức năng tế bào cũng như giúp hấp thu một số chất dinh dưỡng.
Calorie nạp vào và tiêu hao là yếu tố quan trọng trong kiểm soát cân nặng
Đúng là nếu lượng calorie nạp vào lớn hơn lượng calorie tiêu hóa, bạn sẽ tăng cân và ngược lại. Nhưng các nghiên cứu khoa học không chứng minh được việc ăn nhiều sẽ gây ra tình trạng tăng cân liên tục dẫn đến thừa cân và béo phì.
Theo các chuyên gia, chính loại thực phẩm mà chúng ta ăn mới mang đến những ảnh hưởng lâu dài. Những loại đồ ăn đã qua chế biến như đồ ăn vặt chứa tinh bột tinh chế, bánh quy, nước ngọt, kẹo... là những yếu tố đặc biệt cho việc tăng cân vì chúng sẽ được tiêu hóa nhanh chóng, đi vào máu dưới dạng đường glucose, fructose và gan chuyển hóa thành chất béo. Chính vì vậy, điều cần thiết để duy trì cân năng hợp lý không phải là đếm lượng calorie chi tiết mà là duy trì một chế độ ăn uống tổng thể lành mạnh.
Người mắc tiểu đường type 2 không nên ăn trái cây
Lầm tưởng này bắt nguồn từ việc quy kết nước trái cây (có thể làm tăng lượng đường trong máu) và các loại trái cây nguyên bản là một.
Nhiều nguyên cứu cho thấy, những người ăn một phần trái cây nguyên hạt như việt quất, nho hoặc táo mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 thấp hơn và ăn trái cây dạng nguyên bản có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Theo các chuyên gia, mọi người, bao gồm cả các bệnh nhân tiểu đường type 2 đều có thể hưởng lợi từ các chất dinh dưỡng có trong hoa quả tươi như chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Sữa thực vật tốt hơn sữa bò
Một số ý kiến cho rằng sữa từ thực vật như sữa làm từ yến mạch, hạnh nhân, gạo... bổ dưỡng hơn sữa bò. Tuy nhiên tiến sĩ Kathleen Merrigan từ đại học bang Arizona, Mỹ cho biết, quan điểm này không đúng vì mỗi cốc sữa bò cung cấp khoảng 8 g protein, trong khi sữa hạnh nhân chỉ cung cấp từ 1 đến 2 g mỗi cốc và sữa yến mạch là từ 2 đến 3 g. Ngoài ra, sữa từ thực vật có thể chứa nhiều nguyên liệu được thêm vào như đường, natri, và có thể gây hại cho sức khỏe nếu so với sữa bò.
Đồ ăn từ đậu nành có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú
Trong các nghiên cứu trên động vật, estrogen thực vật trong đậu nành hay còn gọi là isoflavone được phát hiện sẽ kích thích sự phát triển tế bào khối u vú. Tuy nhiên theo tiến sĩ Frank B. Hu, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Harvard, điều này chưa được chứng minh trên người và không có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra mối liên hệ giữ việc ăn đậu nành với nguy cơ ung thư vú.
Thay vào đó, các thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành như đậu phụ, đậu tương, súp miso hay sữa đậu nành có thể có tác dụng ngăn nguy cơ mắc ung thư vú. Thực phẩm từ đậu nành cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim như protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Những tác dụng này đã được khoa học chứng minh.
Ăn nhiều khoai tây không tốt cho đường huyết
Khoai tây thường bị cho là có chỉ số đường huyết cao, chứa carbohydrate chuyển hóa nhanh, làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây lại là thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe. Khoai tây giàu vitamin C, kali, chất xơ và nhiều dưỡng chất khác khi được ăn cả vỏ. Ngoài ra, đây lại là loại củ không đắt, có thể mua được quanh năm. Một số phương pháp chế biến có thể giúp khoai tây trở thành món ăn lành mạnh cho sức khỏe bao gồm nướng, luộc, hoặc chiên không dầu.