Nghe theo quảng cáo của một người quen, bệnh nhân đi làm trắng vùng nách tại spa bằng phương pháp phi kim, laser vùng nách. Tuy nhiên kết quả nhận được khiến chị sốc nặng...
PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết vừa tiếp nhận thăm khám một bệnh nhân nữ, 31 tuổi với tổn thương tăng sắc tố nhiều vùng nách 2 bên. Theo lời bệnh nhân kể, bệnh nhân bị tăng sắc tố vùng nách nhiều năm nay, đã thử qua nhiều phương pháp dân gian và thuốc bôi tại chỗ nhưng không đáp ứng điều trị.
Một năm trước nghe theo quảng cáo của một người quen, bệnh nhân đi làm trắng vùng nách tại spa bằng phương pháp phi kim, laser vùng nách, khi làm bệnh nhân đau nhiều tại chỗ, tổn thương lên vảy dày, bong nhiều trong 2-3 tuần, tình trạng tăng sắc tố không cải thiện mà còn bị nặng hơn.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám bệnh trong tình trạng tăng sắc tố nặng vùng nách 2 bên, tình trạng gây ảnh hưởng nặng đến tâm lý người bệnh, bệnh nhân mong muốn tổn thương đỡ và sáng vùng nách 2 bên hơn.
Điểm mặt các nguyên nhân khiến nách thâm đen
Theo BSCKII. Nguyễn Tiến Thành – Phó trưởng khoa Laser và Chăm sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân nữ tới khám với tình trạng tăng sắc tố vùng nách khá nặng, gây tâm lý thiếu tự tin, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ thực hiện điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp laser, ánh sáng trị liệu kết hợp với thuốc bôi tại chỗ.
Theo BS. Thành, một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng nách thâm đen bao gồm:
Mặc áo bó sát
Đây là nguyên nhân ít người nghĩ đến nhất, nhưng trên thực tế đây lại là một trong những nguyên nhân gây ra thâm nách. Vùng da dưới nách khá nhạy cảm nên khi bạn mặc áo bó sát hoặc quá chật cùng với chất liệu quần áo thô và không thấm hút mồ hôi sẽ khiến vùng da dưới nách bị tổn thương. Khi da bị tổn thương sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra tình trạng đổi màu da.
Vệ sinh vùng da dưới nách không đúng cách
Tẩy tế bào chết cho toàn cơ thể nói chung và cho vùng da dưới nách nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu lớp da chết không được vệ sinh thì chúng sẽ tích tụ lại và làm bít kín lỗ chân lông. Gây ra tình trạng da sạm màu và thâm đen vùng nách.
Dùng lăn khử mùi thường xuyên
Lăn khử mùi giúp chúng ta cải thiện tình trạng nách tiết mồ hôi gây mùi khó chịu. Tuy nhiên, lăn khử mùi thường có nhiều hóa chất mạnh, gây kích ứng da. Khi da bị kích thích thì tầng trung bì sẽ sản sinh nhiều hơn melanin gây ra tình trạng da đổi màu và thâm đen hơn.
Thường xuyên nhổ, cạo lông
Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng thâm này ngày càng tồi tệ hơn. Việc nhổ hay cạo lông nách khiến cho lỗ chân lông ngày càng to hơn, lông mọc đậm màu và cứng hơn. Ngoài ra vùng da bị tổn thương sẽ trở lên thâm đen và sần sùi hơn.
Một số nguyên nhân khác như: sự thay đổi nội tiết khi mang thai, cơ địa di truyền từ bố mẹ ông bà hoặc do sử dụng thuốc tránh thai… cũng có thể là nguyên nhân gây nách thâm đen.
Cách khắc phục nách thâm đen
Hầu hết chị em, phụ nữ đều gặp phải tình trạng thâm nách hoặc vùng da dưới cánh tay sần sùi, nhăn nheo khiến bạn e ngại khi diện những chiếc áo sát nách hay hai dây gợi cảm.
Rất nhiều chị em vì mong muốn làm sáng da vùng nách nhanh chóng nên đã sử dụng các sản phẩm làm trắng nách không rõ nguồn gốc được quảng cáo tràn lan trên mạng internet hay đến các spa, thẩm mĩ viện không được cấp phép thực hiện các thủ thuật thẩm mĩ làm trắng nách, hiệu quả không thấy mà còn làm nặng thêm tình trạng thâm nách.
BS. Thành khuyến cáo, để vùng nách hết thâm đen thì điều kiện cần và đủ là loại bỏ nguyên nhân gây ra thâm nách và tìm phương pháp phục hồi vùng da bị tổn thương phù hợp. Vì vậy, nếu bạn muốn loại bỏ tổn thương thâm đen vùng nách, nên đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu, để được tư vấn và điều trị phù hợp hiệu quả, an toàn.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để khắc phục tình trạng vùng da dưới cánh tay thâm đen, từ các phương pháp đơn giản tại nhà như dùng các nguyên liệu tự nhiên như chanh muối, mật ong, banking soda... đến sử dụng các thuốc bôi làm sáng da tại chỗ, hay các phương pháp hiện đại hơn như: laser, ánh sáng điều trị tăng sắc tố… Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, nên được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn.