Cuộc sống hiện đại mang đến những tiện nghi về mặt vật chất nhưng phần nào cũng khiến cho tinh thần con người chịu nhiều áp lực, rơi vào sự căng thẳng, stress… dễ dẫn đến trầm cảm. Bệnh trầm cảm để lại những ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng làm việc của người bệnh. Bên cạnh đó, chữa bệnh trầm cảm cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phải có sự hợp tác của cả người bệnh và gia đình.
Bệnh mang tính chất hủy diệt
Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật. Có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm trên toàn cầu (trong đó những người ở độ tuổi thanh thiếu niên chiếm khoảng 40 %). Ở Việt Nam, nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.
BS Lê Đình Phương- Trưởng Khoa Nội tổng quát, bác sĩ gia đình, Bệnh viện FV (TP HCM) cho biết: Tại Việt Nam, mỗi năm số người tự tử do trầm cảm khoảng 40.000 người. Đây là con số đáng báo động về bệnh trầm cảm. Tính phổ biến của trầm cảm nhiều hơn chúng ta nghĩ. Có những thống kê cho thấy, ít nhất 15% người Việt Nam có những biểu hiện tâm thần từ nhẹ đến nặng và tỷ lệ người Việt có ý định tự sát là khoảng 25%. Đồng thời có một thống kê không chính thức là tỷ lệ người Việt Nam tự sát do trầm cảm gấp 3 lần tai nạn giao thông.
“Do đó trầm cảm là một bệnh vừa phổ biến vừa mang tính chất hủy diệt. Hủy diệt về chất lượng cuộc sống, hủy diệt về hạnh phúc gia đình, hủy diệt về công việc, mất sức lao động sản xuất. Đồng thời nó có thể dẫn bệnh nhân đến những tình huống tự tử. Chắc chắn, trầm cảm là vấn đề rất đáng được quan tâm ở nhiều mức độ, từ cấp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tới cấp chuyên khoa khác”- BS Phương nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý chia sẻ, bệnh trầm cảm xuất phát từ những rối loạn của não bộ, dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tâm lý. Từ đó, hình thành những suy nghĩ và hành vi bất thường, làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ví dụ, điều kiện làm việc khó khăn như mức độ hài lòng thấp, tự kiểm soát chuyên môn và thiếu sự đánh giá tích cực của cấp trên là những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ trầm cảm ở tuổi trung niên…
BS Nguyễn Thị Ly- Bệnh viện đa khoa Medlatec cũng thông tin: Theo thống kê, bệnh trầm cảm xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới, ước tính cứ 2 bệnh nhân nữ thì sẽ có 1 bệnh nhân nam. Đặc biệt, đối tượng mắc bệnh trầm cảm xảy ra ở các độ tuổi, trong đó phần lớn là tuổi trưởng thành.
Cần được điều trị sớm
Chuyên gia y tế khẳng định, mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới WHO tập trung đến 3 nhóm người thường tự tử do trầm cảm là nhóm vị thành niên và thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (đặc biệt là sau khi sinh con) và người cao tuổi trên 60 tuổi.
Nói về triệu chứng của bệnh trầm cảm, BS Nguyễn Thành Long- Chuyên gia tư vấn tâm thần tại Hà Nội cho biết: Người bị trầm cảm nặng có 2 triệu chứng chính: Tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc, bi quan trước mọi việc; Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây. Bên cạnh đó là các triệu chứng liên quan như: Rối loạn giấc ngủ; thay đổi khẩu vị; chuyển động chậm chạp hoặc dễ bị kích động…
Dù bệnh trầm cảm nguy hiểm nhưng nhiều người không điều trị bệnh này vì không biết mình mắc bệnh hoặc xấu hổ. Tuy nhiên nếu nghi ngờ mắc những triệu chứng của bệnh trầm cảm, mọi người cần đến bệnh viện để khám ngay.
Theo BS Ly: Hiện nay, số ca chữa bệnh trầm cảm đạt hiệu quả còn rất thấp. Bởi vì để điều trị trầm cảm, bệnh nhân cần phải hợp tác với bác sĩ và xây dựng đời sống tích cực. Những người thất nghiệp, ly hôn, phá sản,... thường có những suy nghĩ tiêu cực và là đối tượng dễ mắc trầm cảm nhất. Mọi người cần ghi nhớ rằng, đây là căn bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được can thiệp và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy bản thân hay người thân có những bất ổn tâm lý với những triệu chứng của trầm cảm thì hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Còn theo BS Lê Đình Phương: Nếu cảm thấy khí sắc mình u buồn, chán nản liên tục trên 2 tuần thì các bạn nên đi gặp một bác sĩ tâm thần hoặc một bác sĩ cộng đồng, bác sĩ gia đình có kiến thức về trầm cảm. Bác sĩ sẽ có những thang điểm, qua những câu hỏi giúp các bạn xác định rất nhanh tình trạng bệnh. Còn nếu không thì các bạn có thể tìm hiểu qua Google những thang điểm chuẩn đoán về trầm cảm để tự làm trắc nghiệm xác định xem mình có bị trầm cảm hay không?
Về cách điều trị, các chuyên gia y tế cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh khí sắc dựa trên cơ chế bệnh sinh theo từng trường hợp bệnh cụ thể do các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kê toa. Ngoài ra là điều trị bằng tâm lý liệu pháp kết hợp với các liệu pháp phục hồi chức năng tùy theo các cơ sở y tế hiện có; điều trị bằng vật lý trị liệu…
Đối với một số sang chấn tâm lý không thể lường trước được như mất đi người thân, phá sản, thì người thân hay bạn bè cần quan tâm, gần gũi, giúp đỡ và chia sẻ lấy lại niềm tin cho người bệnh, giúp cho người bệnh có tinh thần thoải mái cũng như động lực để vượt qua các sang chấn tâm lý đó. Tránh các sang chấn tâm lý bằng cách gạt bỏ áp lực trong cuộc sống nếu có thể, giữ tinh thần và lối sống thoải mái.
Đối với những người có biểu hiện trầm cảm cần theo dõi, giám sát người bệnh vì người bệnh có thể có hành vi tự sát bất kỹ lúc nào, cũng như theo dõi diễn tiến của bệnh. Đưa đến khám bệnh chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán bệnh kịp thời và điều trị đúng với phác đồ.