Masan High-Tech Materials muốn chào bán riêng lẻ cổ phiếu, tối đa 35% vốn sau phát hành
15:57 26/04/2021
Bên cạnh phương án tăng vốn, kỳ đại hội năm 2021 của Masan High-Tech Materials còn bầu HĐQT nhiệm kỳ mới và thông qua phương án nâng room ngoại lên 49%.
Sáng ngày 12/4, CTCP Masan High-Tech Materials (mã MSR - UPCoM) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tại Hà Nội với sự tham gia của các cổ đông đại diện cho 96,55% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Năm 2020 đánh dấu bước phát triển chiến lược, không chỉ đổi tên từ Masan Resource thành Masan High-Tech Materials mà còn chuyển từ công ty khai thác khoáng sản sang nhà sản xuất vật liệu công nghệ cao.
Doanh thu thuần của công ty đạt 7.291 tỷ đồng tăng 55% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ việc hợp nhất mảng kinh doanh của H.C Starck Tungsten Powders - một công sản xuất bột vonfram có lịch sử hoạt động hơn 100 năm (từ tháng 6/2020). Điều này đã bù lại một phần cho giá thực bán thấp hơn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 toàn cầu đối với thị trường các sản phẩm của công ty. Doanh thu sản phẩm đồng đã tăng so với năm trước nhờ việc được cấp phép xuất khẩu tinh quặng đồng sản xuất trong năm 2018 và 2019 mặc dù giá bán không như kỳ vọng do ảnh hưởng của đại dịch tại thời điểm vận chuyển và bán hàng.
Biên lợi nhuận gộp giảm cùng nhiều khoản chi phí gia tăng đã khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ năm 2020 đạt gần 39,2 tỷ đồng, chỉ tương đương 11% kết quả năm trước.
Masan High-Tech Materials dự kiến không chia cổ tức trong năm nay. Theo phương án phân phối lợi nhuận, toàn bộ gần 2.767 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2020 sẽ được giữ lại.Phát biểu tại Đại hội, ông Danny Le - Chủ tịch HĐQT Masan High-Tech Materials cho rằng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như giai đoạn đầu của khoản đầu tư vào H.C Starck khiến kết quả kinh doanh năm 2020 vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng. Tuy vậy, ông tin rằng các cổ đông sẽ thấy kết quả trong năm nay.
Theo kế hoạch trình cổ đông, công ty đề ra hai kịch bản kinh doanh trong năm 2021, trong đó phương án cao hơn đặt mục tiêu 12.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho cổ đông công ty mẹ. Ở kịch bản thấp hơn, kế hoạch kinh doanh của Masan High-Tech Materials là 11.500 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận.
Cũng tại kỳ họp này, HĐQT trình cổ đông thông qua phương án chào bán riêng lẻ cổ phần mới với tỷ lệ chào bán tối đa 35% tổng số cổ phần sau phát hành. cổ phần được chào bán cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cùng đó, công ty cũng trình cổ đông phê duyệt tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% thay vì mức hơn 24% hiện tại.
Giá phát hành cho đợt chào bán riêng lẻ chưa được công ty nêu nhắc đến. Số tiền huy động được xác định sẽ sử dụng để phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động, đầu tư góp vốn vào các công ty con, nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh hay cho các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp, tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con.Trước đó, vào tháng 10/2020, Masan High-Tech Materials đã ký hợp đồng quyền chọn bán với Mitsubishi Material Corporation (MMC) để phát hành 109,9 triệu cổ phiếu phổ thông cho tổng khoản thanh toán là 2.094,33 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty qua đó tăng lên 10.991,6 tỷ đồng.
MMC hiện là cổ đông lớn thứ hai trong cơ cấu cổ đông, chỉ sau CTCP Tầm nhìn Ma San (86,39%). Trong danh sách ứng viên HĐQT bầu vào nhiệm kỳ mới, MMC cũng góp 1 nhân sự là ông Akira Osada - Tổng giám đốc Metal working Solutions Company, MMC cũng là đại diện Hiệp hội bột kim loại và luyện kim bột. Số lượng nhân sự HĐQT trong nhiệm kỳ 2021-2026 là 5 thành viên. Ngoài đại diện MMC, bốn ứng viên khác gồm ông Danny Le, ông Nguyễn Thiều Nam, ông Craig Richard Brads và bà Nguyễn Thu Hiền.