Sunday, 05/05/2024

Khổ bởi chứng đổ mồ hôi 'vô tội vạ'

08:33 19/07/2023

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Hơn 30 năm sống với chứng đổ mồ hôi, chị Liên không dám bắt tay bạn bè, hai tay lúc nào cũng bóng nhẫy như bôi dầu nhớt, kể cả khi trong phòng điều hòa.

Chị Liên, ở Ứng Hòa, xuất hiện chứng đổ mồ hôi ở tay từ nhỏ. Hai tay luôn bóng nhẫy, mồ hôi ướt đẫm chỗ kê tay. Những khi hồi hộp, lo lắng, tình trạng trở nên nặng nề, mồ hôi đổ thành dòng. Chị luôn để sẵn giấy khô trong túi để lau. "Tôi bị ám ảnh, bất kể mùa đông hay hè tay luôn nhớp nháp khó chịu", chị kể.

Người phụ nữ thử nhiều cách như massage tay, uống thuốc đông y, không cải thiện. Chị đến Bệnh viện Bưu Điện kiểm tra, chưa xác định được nguyên nhân. Mẹ chị cũng mắc tình trạng tương tự. Bác sĩ tư vấn bổ sung vitamin, khoáng chất, kết hợp uống thuốc nội khoa. Sau ba tháng, bệnh nhân sẽ phẫu thuật đốt hạch giao cảm nếu tình trạng đổ mồ hôi không cải thiện.

Cũng trăn trở tìm cách điều trị bệnh đổ mồ hôi, Xuân, 26 tuổi, đã chi vài chục triệu mua thuốc, thảo dược song không hiệu quả. Ngoài ra, Xuân còn bị ra mồ hôi không kiểm soát vùng nách, bàn chân. Gần đây, thời tiết Hà Nội nắng nóng càng khiến bệnh của cô thêm trầm trọng, mùi cơ thể nặng hơn. Mọi người hay trêu "mệnh thủy" nên người lúc nào cũng ướt át càng khiến cô tự ti, xấu hổ, không nghĩ đến việc kết thân với nam giới.

Bàn tay của Liên luôn ướt át, bóng nhẫy, khó cầm nắm đồ vật. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Bùi Đức Ngọt, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện, cho biết tiết mồ hôi là tình trạng sinh lý bình thường của cơ thể khi vận động hay thời tiết nóng bức, uống nhiều rượu bia. Tình trạng trở thành bệnh lý khi tuyến mồ hôi tiết quá nhiều và vượt quá mức cần thiết cho quá trình điều nhiệt, ảnh hưởng chất lượng sống, cảm xúc và các sinh hoạt hàng ngày.

Dấu hiệu thường gặp là lòng bàn tay, bàn chân thường xuyên ẩm ướt và lạnh, da hay bị bong tróc, nhợt nhạt, bàn chân có mùi hôi. Nặng thì có thể nhìn thấy mồ hôi thường nhỏ giọt ở lòng tay chân, ra mồ hôi tay chân cả trong mùa đông hay khi thời tiết mát mẻ.

Theo Hiệp hội Tăng tiết mồ hôi Quốc tế, khoảng 365 triệu người mắc bệnh tăng tiết mồ hôi tay, ảnh hưởng công việc. Tỷ lệ người bị tăng tiết mồ hôi chiếm 1-3% dân số, bằng nhau ở cả nam và nữ. Thời điểm khởi phát thường từ 13 tuổi, sau đó nặng dần lên.

Nguyên nhân thường gặp là di truyền, chế độ ăn uống mất cân bằng, hoạt động thể chất quá mức hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc. Đổ mồ quá nhiều cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như cường giáp, nhiễm độc, bệnh lý nội khoa như đái tháo đường, tim mạch, tự miễn. Một số nguyên nhân khác như thiếu vitamin và chất khoáng, do nhiệt độ quá thấp, bỏng lạnh, nhiễm độc. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy người đổ mồ hôi tay chân vào mùa lạnh có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư máu.

"Bệnh không gây hại cho sức khỏe nhưng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống", bác sĩ nói. Bệnh gây khó khăn cho bạn khi cầm nắm đồ vật, viết hay các công việc cần thao tác ở đôi tay. Khi bị đổ nhiều mồ hôi tay, bạn ngại tiếp xúc với người khác, luôn trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng, mất tự tin và làm hạn chế các mối quan hệ xã hội. Người mắc bệnh này có nguy cơ nhiễm nấm da, gây ngứa, nổi mụn nước, bong tróc da và mùi khó chịu.

Bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết mồ hôi tay chân ra nhiều hơn khi bạn bị căng thẳng và lo âu, sợ hãi hoặc giận dữ. Các biện pháp dân gian như xoa tay với dầu dừa, nước hoa hồng, trà ngải cứu chỉ khắc phục chứng tạm thời nhưng không giải quyết triệt để bệnh.

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ đưa hướng điều trị phù hợp như sử dụng chất chống mồ hôi tại chỗ, tiêm botox, dùng thuốc nội khoa, thảo dược, thuốc ức chế thần kinh ngăn chặn các dây thần kinh kích hoạt tuyến mồ hôi. Thuốc chống trầm cảm cũng có thể làm giảm tiết mồ hôi, giúp giảm lo lắng.

Những biện pháp trên không đạt hiệu quả, bác sĩ sẽ phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này để lại nhiều tác dụng phụ như sẹo, nhiễm trùng, tăng tiết mồ hôi nhiều vĩnh viễn ở các vùng khác trên cơ thể, chảy máu, tổn thương thần kinh, nên cần cân nhắc.

Để giảm tình trạng đổ nhiều mồ hôi, bệnh nhân nên hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê, tránh ăn đồ ăn cay nóng; hạn chế sử dụng các loại gia vị nóng như ớt, tiêu, tỏi. Luôn giữ tinh thần thư giãn thoải mái, không nên căng thẳng và thức khuya. Uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày, tăng cường bổ sung các loại rau củ và trái cây tươi.

Bạn có thể ngâm tay chân với lá lốt, chè xanh hoặc nước muối giúp giảm mồ hôi. Nên đi dép hoặc giày vải, giày hở mũi để cho bàn chân được thông thoáng. Tránh đi giày chật, giày nhựa tổng hợp làm bí chân. Giữ cho bàn chân và tay khô ráo. Chọn quần áo phù hợp với hoạt động. Khi vận động nhiều, bạn nên dùng loại vải được thiết kế để hút ẩm khỏi da.

Hiện, sau một tháng uống thuốc, tình trạng của Liên giảm, song khi hồi hộp vẫn đổ mồ hôi nhiều. Chị dự định đến bệnh viện để phẫu thuật. Còn Xuân vẫn loay hoay tìm phương pháp điều trị, không dám can thiệp vì sợ để lại sẹo và tác dụng phụ không mong muốn.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/am-anh-chung-do-mo-hoi-vo-toi-va-4629185.html

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke