Trẻ mắc COVID-19 thường nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn nhưng một số ít trẻ bị tình trạng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng.
Theo thống kê tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi là 19,2%, tương đương hơn 490.000 trẻ. Đáng chú ý, trong gần nửa triệu trẻ mắc COVID-19 này có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Hầu hết các trẻ bị nhiễm COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, những quan sát gần đây cho thấy, một số ít trẻ vẫn bị tình trạng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng, nhất là Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Triệu chứng
Biểu hiện của hậu COVID-19 với những trẻ có tiền sử mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ. Trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…
Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến bệnh thuận lợi, trẻ phục hồi tốt.
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua đã ghi nhận những trẻ đến khám hậu COVID-19. Thường gặp nhất là những em bé đã khỏi bệnh nhưng tình trạng ho vẫn dai dẳng.
Các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ từng mắc COVID-19 hoặc nghi ngờ (nhiều trẻ mắc COVID-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm.
“Hiện chúng ta đã có những đơn vị thăm khám hậu COVID-19. Người bệnh sau nhiễm COVID-19 vài tuần, vài tháng khi xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần đi khám để chuẩn đoán điều trị. Riêng với trẻ em, hậu COVID-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu… Vì vậy khi trẻ xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không”, PGS.TS Bác sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương nói.
Cách phòng tránh
Theo khuyến cáo của Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện dịch COVID-19 phức tạp, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em xu hướng gia tăng. Do đó cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng hậu COVID-19 là tiêm vaccine phòng bệnh, ngăn ngừa nhiễm bệnh.
“Trong thời gian tới tiêm vaccine vẫn là khuyến cáo hàng đầu. Chúng ta tập trung cho nhóm nguy cơ và nhóm yếu thế đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng. Nếu trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì các biến chứng của bệnh giảm đi. Đồng thời chúng ta tiếp tục tuân thủ 5K, khuyến khích trẻ hoạt động thể chất hợp lý và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ”, PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Hiện việc lây nhiễm biến chủng Omicron nhiều hơn ở trẻ em chưa tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, nhất là những người già, có bệnh nền.
Bộ Y tế đã lựa chọn vaccine phòng COVID-19 Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất để tiêm cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi tại nước ta. Đây là vaccine đã được WHO khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và được nhiều nước sử dụng. Bộ Y tế cũng đang làm các thủ tục để sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc hoàn thành tiêm chủng giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia học tập tại trường và các hoạt động xã hội khác.