Em bé đầu tiên tại Việt Nam chỉ nặng 0,4 kg khi chào đời
15:54 09/09/2021
Khi mới chào đời, bé gái chỉ nhỏ bằng chiếc xi-lanh 50 ml và nằm gọn trong lòng bàn tay của nhân viên y tế.
Sáng 9/9, ông Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin ê-kíp của viện đã nuôi dưỡng và cứu thành công bé gái N.T.A., sinh non 27 tuần tuổi, nặng chỉ 0,4 kg. Đến thời điểm này, đây là bé sơ sinh nhẹ cân nhất tại nước ta.
Sau hơn 3 tháng chăm sóc, hiện tại, cân nặng của bé tăng lên gấp 4 lần (1,8 kg). Sáng nay, mẹ của bé A. (ở Yên Thành, Nghệ An) đã được đón con. Trước đó, sau sinh, bà mẹ này chưa được gặp con vì bé A. phải hồi sức cấp cứu.
Bệnh nhi được mổ đẻ vào ngày 1/6 vì chậm phát triển trong tử cung, suy thai, mẹ bị tiền sản giật. “Tình trạng tiền sản giật là bệnh lý nghiêm trọng nhất trong xử lý thai nghén cấp cứu. Vì thế, trong quá trình chẩn đoán, nếu có yếu tố đe dọa tính mạng người bệnh, sẽ phải đình chỉ thai nghén”, bác sĩ Cường cho hay.
Ngay sau sinh, bé ở trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, bụng chướng, thở nấc, thở máy, oxy. Tại thời điểm sinh, bé A., chỉ nhỏ như chiếc xi-lanh 50 ml, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay của nhân viên y tế.
Ngay khi mổ lấy thai, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức sơ sinh, tận dụng thời gian vàng cấp cứu bé, đặc biệt thực hiện chiến lược chống nhiễm trùng nhiều tầng để kiểm soát nhiễm khuẩn cho trẻ.
TS.BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh, cho biết với một em bé nặng 0,4 kg, chân nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn, việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven rất khó khăn. Khi mới sinh, em bé được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, đến ngày thứ 15, bữa ăn đầu tiên qua đường miệng, em bé chỉ ăn 1,5-2 ml/bữa.
Sau 23 ngày, bé ăn 5 ml sữa/bữa, với tần suất ăn 16 bữa một ngày. Các nhân viên y tế phải nhỏ sữa từng giọt cho em bé. “Sau hơn 3 tháng, trẻ tự thở khí trời, ăn sữa đạt 200 ml/ngày. Đây là sự tăng trưởng kỳ tích của trẻ, với mức tăng trưởng 15% cân nặng/tuần", TS Trác nói thêm.
Các trường hợp sinh non, nhẹ cân sẽ có 8 nguy cơ sau sinh như ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt; xuất huyết đặc biệt nguy hiểm (xuất huyết não, phổi); khó khăn khi nuôi dưỡng, dễ viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu), rối loạn chuyển hóa, vàng da, tan máu, thiếu máu.
“Do đó, phòng chống nhiễm khuẩn theo nhiều tầng là điều rất quan trọng với trẻ non tháng. Em bé sơ sinh sinh non đã nhiễm trùng là rất nặng, kiểm soát được nguy cơ này em bé sẽ có cơ hội hồi sinh”, PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ.