Dùng xuyên tâm liên để điều trị Covid-19 như thế nào?
12:14 28/07/2021
Xuyên tâm liên đã được Bộ Y tế chính thức bổ sung vào phác đồ hỗ trợ điều trị Covid-19. Tuy nhiên, cách dùng dược liệu này khá đa dạng.
Theo Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, xuyên tâm liên được dùng cho F0 thuộc giai đoạn nhẹ và vừa, theo chỉ dẫn phác đồ điều trị kết hợp Đông và Tây y.
Xuyên tâm liên từng rất phổ biến ở Việt Nam
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), cho hay cây và lá xuyên tâm liên có thành phần hóa học là các chất acid hữu cơ, tanin, chất nhựa, nhiều chất đắng. Trong đó, andrographolide và 14-deoxy-11,12-didehydroandrographolide có khả năng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Theo y học cổ truyền, xuyên tâm liên có vị đắng, tính lạnh. Thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, giảm đau, kháng khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn.
Xuyên tâm liên dùng để chữa các bệnh lỵ cấp tính, viêm ruột, dạ dày, cảm mạo sốt nóng, viêm loét miệng, lưỡi, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, ho, chữa đau nhức xương khớp, nhiễm khuẩn niệu đạo, tiểu tiện khó khăn, rắn cắn.
Chia sẻ với Zing, tiến sĩ dược sĩ Trần Duy Hùng, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cho hay xuyên tâm liên có tác dụng khá rộng. Về y học cổ truyền, đây là loại cây có tính hàn, thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm.
Xuyên tâm liên được sử dụng phổ biến trong những năm 60-80 của thế kỷ trước, trong thời kháng chiến. Khi đó, thị trường chưa có nhiều thuốc nên nước ta dùng thay thế với mục đích tiêu viêm, kháng sinh thực vật khá nhiều. Đồng thời, Việt Nam có nhiều nghiên cứu trên lâm sàng và dược lý đánh giá tác dụng của xuyên tâm liên.
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cũng đã có nghiên cứu đánh giá xuyên tâm liên trong việc tăng cường hỗ trợ và điều trị virus HIV. Kết quả cho thấy chúng tăng cường miễn dịch, chống đỡ và giảm số lượng virus HIV. Nghiên cứu đánh giá trên thế giới như ở Thái Lan, Ấn Độ cũng cho kết quả tương tự.
“Xuyên tâm liên từng được dùng để điều trị viêm họng, viêm phổi, viêm miệng, viêm lợi, viêm tiết niệu, viêm xương khớp, tức kháng viêm, phổ điều trị rất rộng. Loại cây này còn có các hoạt chất ức chế sự phát triển của virus, tăng cường miễn dịch. Chính vì vậy, với Covid-19, xuyên tâm liên được dùng với mục đích tăng cường miễn dịch và hỗ trợ điều trị”, tiến sĩ Hùng chia sẻ.
Việt Nam cân nhắc điều này khi các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…, có đánh giá hiệu quả khi sử dụng xuyên tâm liên trong điều trị Covid-19.
Tiến sĩ Hùng cũng cho hay Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã sản xuất được một ít xuyên tâm liên để các thầy thuốc, đoàn cán bộ tăng cường chống dịch Covid-19 cho TP.HCM sử dụng, không bán bên ngoài thị trường.
Dùng xuyên tâm liên như thế nào?
Tiến sĩ Hùng cho hay xuyên tâm liên có thể dùng ở tất cả bộ phận từ rễ, thân, lá, cành hoặc toàn cây. Người dân có thể dùng các bộ phận trên mặt đất như thân, lá, hoa hoặc nhổ cả rễ. Bởi xuyên tâm liên là loại cây thu hoạch quanh năm, ngắn ngày và trồng bằng hạt.
Cách dùng khá đa dạng như đun sắc để uống, làm chè, viên hoàn, cao, viên nang…
“Tất cả đều được dùng trong phòng và điều trị Covid-19. Bộ Y tế không khuyến cáo thiên vị bất kỳ sản phẩm nào. Với tác dụng hỗ trợ phối hợp trong điều trị và nâng cao sức đề kháng, xuyên tâm liên có thể dùng cho F0, người trong diện tiếp xúc và tất cả người dân”, tiến sĩ Hùng lưu ý.
Chuyên gia này cũng hướng dẫn xuyên tâm liên có vị đắng. Khi dùng dược liệu tươi để uống, chúng ta có thể thêm mật ong, cỏ ngọt, cam thảo để điều hòa vị đắng.
Lương y Bùi Hồng Minh cũng cho hay xuyên tâm liên có liều dùng khoảng 5-10 gam khô, 10-20 gam tươi hãm và sắc uống, dùng ngoài da với lượng vừa đủ. Bài thuốc chữa amidan, viêm phổi gồm có xuyên tâm liên 8 gam, huyền sâm 8 gam, bách bộ 6 gam, cam thảo 4 gam.
Trong công văn 1306 về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, Bộ Y tế đã có hướng dẫn một số bài thuốc sử dụng xuyên tâm liên tương ứng 3 giai đoạn của bệnh Covid-19.
Ở giai đoạn khởi phát, người bệnh có biểu hiện sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác.
Một trong các bài thuốc có thể dùng là Ngân kiểu tán (ôn bệnh điều kiện): Liên kiểu (8-12 g), cát cánh (6-12 g), đạm trúc diệp (6-8 g), kinh giới tuệ (4-6 g), đạm đậu xị (8-12 g), ngưu bàng tử (8-12 g), kim ngân hoa (8-12 g), bạc hà (8-12 g), cam thảo (2-4 g), xuyên tâm liên (12 g), thanh cao hoa vàng (12 g). Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày một thang, chia đều 3 lần, sau ăn. Bài thuốc có công dụng: Thanh ôn giải độc, thang dương ích khí.
Ở giai đoạn toàn phát, người dân có thể dùng bài thuốc Ma hạnh thạch cam thang: Ma hoàng (8-12 g), cam thảo (2-4 g), hạnh nhân (6-12 g), sinh thạch cao (8-12 g), xuyên tâm liên (12 g). Cách dùng: Sắc uống, 1-2 thang/ngày, lúc ấm chia làm 3 lần, trước ăn.
Trường hợp người bệnh có các triệu chứng tả lỵ nhiều lần, hậu môn nóng rát, mạch sác, miệng khát, rêu vàng khô, dùng kết hợp bài thuốc Cát căn cầm liên thang: Cát căn (16 g), cam thảo (6 g), hoàng cầm (10 g), hoàng liên (10 g), xuyên tâm liên (12 g). Cách dùng: Sắc uống ngày 1-2 thang, uống lúc ấm chia đều 3 lần sau ăn.
“Xuyên tâm liên có tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn... Những người bị tỳ vị yếu, đi ngoài phân lỏng, cảm hàn không dùng được. Do vậy, thuốc muốn sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ và không nên tự dùng”, lương y Bùi Hồng Minh lưu ý.
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang chỉ đạo thúc đẩy sản xuất dạng viên để đáp ứng cho nhu cầu hỗ trợ điều trị Covid-19.
Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đang động viên một doanh nghiệp (đã được cấp phép từ 2010) cấp tập sản xuất để cung ứng. Đồng thời, Cục cũng đang đề xuất cấp phép thêm cho 1-2 công ty cùng tham gia sản xuất. Trước mắt, khoảng 1 triệu viên thuốc xuyên tâm liên sẽ được chuyển vào TP.HCM.