Thấy trẻ sốt, nôn nhiều, da có nốt ban đỏ, giật mình,… cha mẹ cần đưa con đi khám để bác sĩ tư vấn, tránh biến chứng nặng.
Khi chơi ở nhà, gia đình phát hiện bé trai 3 tuổi (sống ở Kim Chung, Đông Anh), nổi nhiều nốt ban đỏ trên da, sốt nhẹ trong khoảng 2 ngày.
Thấy con có dấu hiệu lạ, mẹ đưa bé đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khám trong tình trạng mắc bệnh tay chân miệng mức độ nhẹ, loét họng nhiều. Sau 3 ngày được các bác sĩ tích cực điều trị, bé đã hồi phục.
Trong một tháng trở lại đây, khoa Nhi tiếp nhận gần 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trung bình một ngày có 5-7 ca phải điều trị nội trú.
Nguyên nhân gây bệnh
Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng khoa Nhi, cho biết bệnh tay chân miệng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do virus đường ruột gây ra, trong đó có 2 virus nguy hiểm gồm Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Hiện chúng ta có xét nghiệm để xác định 2 virus này.
Tay chân miệng do virus gây ra nên quá trình điều trị tập trung vào chăm sóc là chủ yếu, dùng kháng sinh không có tác dụng. Nếu thấy trẻ có vết loét ở miệng, phụ huynh có thể dùng các sản phẩm giảm đau tại chỗ để trẻ ăn uống bình thường. Sau vài ngày, vết loét sẽ biến mất.
Với những vết ban đỏ, phỏng nước xuất hiện trên da trẻ, cha mẹ không nên chọc vỡ, chỉ cần vệ sinh hàng ngày, tắm rửa sạch sẽ cho con. Sau vài ngày, các nốt ban trên da sẽ se lại.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất với bệnh tay chân miệng chính là chuyển độ nhanh. Khi sốt trên 2 ngày hoặc sốt cao trên 39 độ C, giật mình, trẻ chuyển sang độ 2, cần được đi khám để bác sĩ xem xét, đánh giá. Với độ 3 và 4, bé ở tình trạng nặng, cần nhập khoa cấp cứu hoặc ICU để điều trị.
Các dấu hiệu cơ bản giúp phụ huynh phát hiện con mắc tay chân miệng gồm sốt, giật mình, nôn nhiều, phát ban, thay đổi ý thức, run chi, đi đứng loạng choạng,…
Ở miền Bắc, tay chân miệng thường bùng phát vào mùa xuân, thời tiết ấm và ẩm.
Biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Lê cho hay biến chứng nguy hiểm nhất của tay chân miệng là viêm não, phù phổi, viêm cơ tim, sốc.
Đa số trẻ mắc tay chân miệng đều ổn định, nhanh khỏi.
Vị này khuyến cáo trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi (sau 7 ngày). Một số ít trẻ có biến chứng nặng cần nhập viện theo dõi. Do đó, cha mẹ không nên cho con uống thuốc nam, không rõ nguồn gốc hoặc chích vào những ban phỏng nước trên da trẻ, tránh những tổn thương không đáng có.
Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, gia đình cần thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay, vệ sinh sạch sẽ.
- Cách ly khi trẻ mắc bệnh.
- Sau 10 ngày trẻ hết lây bệnh, mới được cho trẻ đi học.
- Vệ sinh đồ đạc.
Về dinh dưỡng, gia đình cần bổ sung món ăn để trẻ dễ dung nạp, có thể cho ăn lỏng hoặc ăn cơm như bình thường.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu thần kinh như nôn, co giật, thay đổi ý thức, phụ huynh phải đưa trẻ đi viện ngay, không nên trì hoãn, tránh chuyển độ bệnh để các bác sĩ khám, điều trị kịp thời.