Ăn quá nhiều những món ngậm dầu, chiên đi chiên lại như bánh chưng, nem rán, khoai tây chiên… dịp năm mới dễ gây tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi.
Chức năng chính của hệ tiêu hóa là tiếp nhận và phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng. Từ đó, cơ thể có thể hấp thụ các chất này vào máu, chuyển đổi thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Chất lượng thức ăn và chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tiêu hóa.
BS.CKI Hoàng Đình Thành (Trung tâm nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, so với tinh bột, đạm thì chất béo khó tiêu hóa hơn. Nếu cơ thể thu nạp quá nhiều chất béo gây cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa. Một loạt những rắc rối về tiêu hóa có thể xảy ra nếu ăn nhiều chất béo như tiêu chảy, đầy hơi, đau dạ dày, tăng nguy cơ mắc bệnh gan.
Những dấu hiệu cho thấy đường tiêu hóa đang bị quá tải chất béo bao gồm:
Chướng bụng, đầy hơi: Đây là tình trạng hệ tiêu hóa suy giảm chức năng, biểu hiện thường gặp nhất trong dịp Tết. Nguyên nhân là do chất béo khó phân hủy nên khi tích tụ quá nhiều gây khó tiêu. Cảm giác khó chịu ở vùng bụng và thượng vị cũng có thể xảy ra do sự "mắc kẹt" của thức ăn chưa kịp tiêu hóa trong cơ thể.
Phân lỏng: Chất béo dư thừa tích tụ trong ruột non và ruột già, khiến ruột già sản xuất nhiều chất lỏng, dẫn đến tình trạng đi tiêu phân lỏng, thậm chí tiêu chảy. Nếu tình trạng này diễn ra lâu, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng vì cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Mệt mỏi: Cơ thể cần quá nhiều năng lượng để hệ tiêu hóa, phân hủy một lượng lớn chất béo mà giảm tiếp "nhiên liệu" cho những cơ quan còn lại của cơ thể. Điều này khiến bạn cảm thấy uể oải và mệt mỏi.
Nóng dạ dày: Thói quen dùng dầu chiên đi chiên lại còn gây ra tình trạng nóng dạ dày. Các biểu hiện khó chịu ở cổ họng do thành phần axit sản sinh nhiều sau mỗi lần tái sử dụng dầu; tăng cholesterol xấu, ngộ độc thực phẩm...
Ăn quá nhiều chất béo khiến chất béo tích tụ trong gan, có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Hệ quả là gan có thể bị viêm, tế bào gan tổn thương, gây xơ gan, thậm chí suy gan. Thu nạp nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ còn thúc đẩy sự phát triển các vi khuẩn có hại và tiêu diệt những vi khuẩn có lợi ở đường ruột. Trong khi, lợi khuẩn giúp tiêu hóa chất xơ, hỗ trợ hệ miễn dịch, điều chỉnh cân nặng, duy trì sức khỏe đường ruột, hỗ trợ bảo vệ tim mạch...
Bác sĩ Đình Thành cho biết, cách điều trị thông thường các vấn đề tiêu hóa ngày Tết thường gặp là dùng thuốc hoặc sử dụng các thực phẩm hỗ trợ phục hồi sức khỏe hệ tiêu hóa. Những cách cải thiện tình trạng này như uống đủ nước; tránh đi nằm ngay sau ăn hoặc nằm sấp, giảm thiểu áp lực lên vùng thượng vị; dùng gừng giảm đau bụng...
Trong dịp năm mới, mọi người nên duy trì thói quen ăn uống điều độ, không ăn quá nhiều bữa để hệ tiêu hóa có thời gian nghỉ ngơi và tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất béo có lợi. Bởi cơ thể vẫn cần có chất béo để hấp thụ các loại vitamin như A, E, D và K. Duy trì tập thể dục đều đặn giúp cơ thể đốt cháy chất béo thay vì tích tụ trong gan. Kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê và thuốc lá. Thực hiện ăn chín uống sôi để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.