Cũng giống như hạch cổ, hạch góc hàm, hạch bẹn, hạch mạc treo ruột là hệ thống bạch huyết của ruột, khi các yếu tố viêm như virus, vi khuẩn xâm nhập vào ruột thì hệ thống hạch này sẽ viêm và sưng gây nên đau.
Viêm hạch mạc treo là gì?
Viêm hạch mạc treo là tình trạng các tuyến lympho trong ổ bụng (thường nằm trong mạc treo ruột) bị viêm phù nề và gây đau bụng âm ỉ, không kéo dài. Thông thường bệnh không nghiêm trọng và sẽ khỏi mà không cần điều trị.
Viêm hạch mạc treo là nguyên nhân gây đau bụng khá phổ biến ở trẻ em dưới 16 tuổi, và ít gặp ở người lớn. Đôi khi viêm hạch mạc treo khó để chẩn đoán phân biệt với những nguyên nhân gây đau bụng khác như viêm ruột thừa.
Nguyên nhân gây hạch mạc treo ruột
- Có mối liên quan giữa trước và trong đợt viêm tai mũi họng và viêm hạch mạc treo, điều này được lý giải bởi các dịch mũi họng được nuốt xuống đường ruột gây kích thích viêm các hạch.
- Do uống sữa không được tiệt trùng tốt hoặc ăn thức ăn chưa chín, nhiễm khuẩn.
- Nguyên nhân do virus hay gặp, vi khuẩn ít gặp hơn.
Có những trường hợp nhẹ trẻ chỉ biểu hiện đau âm ỉ nhẹ rồi thường hết sau khi nằm nghỉ ngơi vài giờ.
Chẩn đoán
Rất khó chẩn đoán xác định viêm hạch mạc treo vì các triệu chứng không đặc hiệu và các hạch nằm sâu trong ổ bụng nên không thể sờ thấy. Vì thế chẩn đoán thường là loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây kiểu đau bụng như vậy, sau đó sẽ nghĩ đến chẩn đoán viêm hạch mạc treo.
Không có xét nghiệm đặc hiệu để đưa ra chẩn đoán xác định của bệnh viêm hạch mạc treo. Tuy nhiên những xét nghiệm sau có thể giúp chẩn đoán bệnh lý khác có thể gây đau bụng. Ví dụ, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra có nhiễm trùng đường tiểu, hoặc siêu âm bụng hoặc CT scan. Đôi khi đặc điểm trên siêu âm hoặc ct scan cho thấy tuyến hạch phù nề điển hình có thể giúp hướng tới chẩn đoán viêm hạch mạc treo.
Trên hình ảnh siêu âm thường phát hiện các hạch mạc treo ruột tăng kích thước, có thể thấy các quay ruột giãn, tăng nhu động.
Dựa vào khám và siêu âm để phân biệt với viêm ruột thừa.
Điều trị
- Nguyên nhân do virus hay gặp nên không có thuốc đặc hiệu, trẻ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, vitamin và men vi sinh khi có rối loạn tiêu hóa.
- Một số trường hợp do vi khuẩn (xét nghiệm máu có bạch cầu đa nhân tăng, CRP tăng) thì điều trị thêm bằng kháng sinh đường ruột.
- Cần cho trẻ nhập viện khi trẻ có biểu hiện đau nhiều, sốt cao, mất nước và mệt.u động.
Phòng bệnh
Bệnh rất hay tái đi tái lại nên phòng bệnh là cực kỳ quan trọng.
- Giữ gìn vệ sinh mũi họng, răng miệng tránh viêm nhiễm và điều trị dứt điểm viêm mũi họng.
- Nâng cao sức đề kháng chung toàn thân và sức đề kháng của đường ruột bằng cách uống đủ nước, hoa quả, vitamin. Bổ sung men vi sinh hợp lý.
- Ăn uống hợp vệ sinh (Sữa đảm bảo thanh tiệt trùng, thức ăn chín…).