Cô đơn làm tăng 32% nguy cơ đột quỵ
Các nhà khoa học tại Đại học California, San Diego vừa công bố kết quả nghiên cứu về mối liên quan giữa sự cô đơn đến nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong. Bài viết đăng tải trên Tạp chí Journal of the American Heart Association.
Kết quả trong nghiên cứu được dựa trên dữ liệu tổng hợp từ các công trình khoa học trên khắp thế giới trong 40 năm qua.
Cô lập xã hội được định nghĩa là không thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với mọi người, chẳng hạn như với gia đình, bạn bè hoặc các thành viên của cùng một cộng đồng hoặc nhóm tôn giáo. Cô đơn là khi bạn cảm thấy như chỉ có một mình hoặc ít kết nối với những người khác hơn những gì bạn mong muốn.
GS.TS Crystal Wiley Cené cũng là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Hơn bốn thập kỷ nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng sự cô lập xã hội và sự cô đơn đều liên quan đến kết quả sức khỏe tiêu cực".
Dữ liệu cũng cho thấy sự cô đơn gia tăng trong đại dịch. Thanh niên từ 18 đến 25 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ và những người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nghiên cứu đã chỉ ra các kết quả đáng lưu ý:
- Cô lập xã hội thời thơ ấu có liên quan đến việc gia tăng các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tim mạch, bao gồm béo phì, cao huyết áp và tăng lượng đường trong máu.
- Thiếu kết nối xã hội có liên quan đến nguy cơ tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nào, đặc biệt là ở nam giới.
- Những người ít kết nối xã hội hơn có nhiều khả năng biểu hiện các triệu chứng thể chất của căng thẳng mãn tính. Cô lập xã hội và cô đơn có liên quan đến việc gia tăng tình trạng viêm nhiễm.
- Có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy mối liên quan giữa cô lập xã hội và cô đơn với việc gia tăng nguy cơ giảm sút sức khỏe tim và não.
- Một phân tích gộp 19 nghiên cứu thấy sự cô lập hoặc cô đơn trong xã hội làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 29%; các nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào nhồi máu cơ tim cấp và/hoặc tử vong do bệnh mạch vành.
- Một phân tích gộp 8 nghiên cứu quan sát dọc cho thấy cô lập xã hội và cô đơn làm tăng 32% nguy cơ đột quỵ.
Cần xem cô đơn/cô lập xã hội là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý
GS.TS Crystal Wiley Cené phân tích: "Mặc dù sự cô lập trong xã hội và cảm giác cô đơn có liên quan đến nhau, nhưng chúng không giống nhau hoàn toàn. Nhiều người có thể sống một cuộc sống tương đối biệt lập nhưng không cảm thấy cô đơn. Ngược lại, những người có nhiều mối quan hệ xã hội vẫn có thể cảm thấy cô đơn".
Nghiên cứu cũng cho thấy cả hai tình trạng này đều là những yếu tố phổ biến nhưng chưa được công nhận trong bệnh tim mạch và não.
Đáng chú ý, cô lập và cô đơn có liên quan đến các dấu hiệu viêm tăng cao, làm tăng các triệu chứng của căng thẳng mãn tính.
Nó trở thành một vòng luẩn quẩn: Trầm cảm có thể dẫn đến cô lập xã hội và cô lập xã hội có thể làm tăng khả năng bị trầm cảm.
GS Cené cho biết thêm: "Cần phát triển, thực hiện và đánh giá các chương trình, chiến lược để giảm thiểu tác động tiêu cực của sự cô lập và cô đơn trong xã hội đối với sức khỏe tim mạch và não bộ, đặc biệt là đối với những nhóm dân số có nguy cơ. Bác sĩ nên hỏi bệnh nhân về tần suất hoạt động xã hội của họ và liệu họ có hài lòng với mức độ tương tác của họ với bạn bè và gia đình hay không. Sau đó, bác sĩ cần có phương án giúp những bệnh nhân này tăng cường sự kết nối với cộng đồng".
Theo báo Dân Trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/co-don-lam-tang-dang-ke-nguy-co-bi-benh-tim-mach-va-tu-vong-20220809080250995.htm