Mỹ, Anh, Pháp thông báo gửi nhiều trang bị y tế thiết yếu như máy thở và oxy cho Ấn Độ khi nước này bị "sóng thần" Covid-19 càn quét.
Thế giới đã ghi nhận 147.763.718 ca nhiễm nCoV và 3.121.769 ca tử vong, tăng lần lượt 710.932 và 9.270, trong khi 125.711.613 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Hàng loạt quốc gia thông báo sẽ gửi thiết bị y tế hỗ trợ Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 17.306.300 ca nhiễm và 195.116 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 354.531 và 2.806 ca. Ấn Độ đang rơi vào thảm cảnh chưa từng có vì thiếu oxy, vaccine cùng thuốc men, trong khi các lò hỏa táng liên tục đỏ lửa vì số người chết do Covid-19 quá cao.
"Chúng tôi quyết tâm giúp Ấn Độ trong lúc bức thiết, giống như Ấn Độ đã hỗ trợ Mỹ khi các bệnh viện của chúng ta quá tải trong giai đoạn đầu dịch", Tổng thống Mỹ Joe Biden viết trên Twitter hôm 25/4.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Home thêm rằng quan chức nước này đang làm việc không nghỉ để triển khai mọi nguồn lực có thể để giúp Ấn Độ sản xuất vaccine Covid-19 và chăm sóc cho hàng triệu người đang mắc bệnh. Washington cũng dự kiến gửi phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm nhanh và máy thở cho New Delhi.
Pháp sẽ gửi thiết bị thở oxy, trong khi Anh thông báo đang chuyển 600 hệ thống y tế gồm máy thở và máy tạo oxy.
Các bệnh viện Ấn Độ hôm 24/4 tiếp tục đề nghị chính phủ lập tức cung cấp oxy sau khi phải dừng tiếp nhận bệnh nhân vì không đủ oxy. Video đăng trên mạng hội gần đây cho thấy một số người Ấn Độ nhiễm nCoV phải ngủ bên ngoài cơ sở y tế ở thành phố Bidar do không thuộc diện bệnh nhân Covid-19 được nhập viện.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chiều 23/4 đã chủ trì một cuộc họp cấp cao để bàn về tình trạng thiếu oxy trầm trọng tại các bệnh viện. Ông yêu cầu phải tăng cường sản xuất và tăng tốc độ phân phối oxy cũng như áp dụng các phương pháp sáng tạo để cung cấp oxy hỗ trợ các cơ sở y tế.
Các bang ở Ấn Độ đang mâu thuẫn về vấn đề cung cấp oxy, khi một số chính quyền bang bảo vệ chặt chẽ nguồn cung của mình tới mức bố trí cảnh sát vũ trang tại các nhà máy sản xuất oxy để đảm bảo an ninh.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.823.941 ca nhiễm và 586.148 ca tử vong do nCoV, tăng 34.288 ca nhiễm và 269 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ sáng 24/4 thông báo đã tiêm 225.640.460 liều vaccine Covid-19 trong tổng số 290.685.655 liều được phân phối khắp cả nước.
Mỹ trước đó nối lại sử dụng vaccine Johnson & Johnson sau khoảng thời gian tạm ngừng vì phát hiện một số trường hợp đông máu. CDC Mỹ khẳng định người được tiêm vaccine Johnson & Johnson sẽ được cảnh báo trước về tác dụng phụ rất hiếm gặp gồm xuất hiện máu đông và tiểu cầu thấp.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.340.787 ca nhiễm và 390.797 ca tử vong, tăng lần lượt 32.572 và 1.188.
Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho biết số ca nhiễm nCoV ở Brazil đang giảm, gồm cả vùng Amazon, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 trong những tháng qua. Tuy nhiên, Etienne cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch có thể đảo ngược xu hướng này.
Viện y sinh học Fiocruz của chính phủ Brazil trong khi đó cảnh báo người trẻ ở nước này đang ngày càng bị Covid-19 ảnh hưởng. Nghiên cứu của Fiocruz chỉ ra rằng số ca tử vong do nCoV ở những người 20-29 tuổi tại Brazil đã tăng hơn 1.000% từ đầu năm nay.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.498.044 ca nhiễm và 102.858 ca tử vong.
Thủ tướng Pháp Jean Caster ngày 22/4 nói rằng làn sóng dịch thứ ba "đã qua" và xác nhận các hạn chế đi lại trong nước sẽ được dỡ bỏ vào ngày 3/5 và các trường trung học cơ sở sẽ mở cửa trở lại cùng ngày. Đây là những bước đầu tiên trong kế hoạch đưa đất nước thoát khỏi đợt đóng cửa mới vì Covid-19.
Ông thêm rằng một số hoạt động kinh doanh, gồm quán bar, nhà hàng và trung tâm văn hóa có thể mở cửa trở lại vào giữa tháng 5 khi tình hình đại dịch được cải thiện, sau ba tuần Pháp bước vào đợt đóng cửa kéo dài một tháng. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 19h đến sáng hôm sau vẫn được duy trì.
Tại Đông Nam Á, Campuchia ghi nhận thêm 616 ca nhiễm nCoV và 3 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 9.975, trong đó 74 người đã tử vong.
Thủ đô Phnom Penh đang sống dưới lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần từ ngày 15/4 và tuyên bố một số quận là "vùng đỏ", cấm người dân rời khỏi nhà ngoại trừ vì lý do y tế. Chính quyền Phnom Penh đêm 23/4 tiếp tục thắt chặt các biện pháp hạn chế khi yêu cầu đóng cửa toàn bộ các khu chợ từ 22/4 đến ngày 7/5 do thấy tình trạng lây nhiễm tăng cao tại đây.
Thái Lan hôm qua báo cáo thêm 2.438 ca nhiễm nCoV và 11 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong trên toàn quốc lên lần lượt 55.460 và 140. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số người chết cao kỷ lục trong bối cảnh Thái Lan đang hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ ba, một phần do biến chủng nCoV từ Anh.
Phát ngôn viên nhóm chuyên trách Covid-19 Taweesin Wisanuyothin cho biết Thái Lan sẽ hoãn cấp giấy tờ nhập cảnh cho người nước ngoài đến từ Ấn Độ, trong khi 131 công dân Thái Lan tại Ấn Độ đăng ký về nước trong tháng 5 vẫn được nhập cảnh. Thời hạn cách ly người nhập cảnh sẽ tăng từ 10 lên 14 ngày cho đến khi tình hình cải thiện, theo quan chức Bộ Y tế Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính quyền các tỉnh có thể đóng cửa những địa điểm công cộng và áp lệnh giới nghiêm nếu cần thiết để chặn đà lây nhiễm virus.
Lào ghi nhận 76 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên 323, trong đó chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Thủ đô Vientiane của Lào bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 22/4 để đối phó số ca nhiễm nCoV tăng mạnh.
Người dân Vientiane bị cấm ra khỏi nhà, trừ khi có việc thiết yếu. Các đám đông không được vượt quá 20 người, trong khi các nghi lễ, như đám tang, phải được tổ chức hết sức cẩn thận và tuân thủ biện pháp phòng ngừa Covid-19.