Bidenomics và sự quay trở lại dẫn dắt kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ
15:57 26/04/2021
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đưa nhiều chính sách táo bạo, đặc biệt là triển khai chính sách kinh tế Bidenomics, nhằm phục hồi mạnh mẽ Hoa Kỳ hậu đại dịch Covid-19. Bidenomics cũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan điểm kinh tế của Hoa Kỳ nhằm đảm bảo vị thế của nước này trước sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.
Ngày 30/4 tới đây sẽ là dấu mốc lớn đánh dấu 100 ngày tại nhiệm đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong quãng thời gian ngắn ngủi vừa qua, bộ máy của ông Joe Biden đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo, đặc biệt là việc triển khai chính sách kinh tế Bidenomics, nhằm phục hồi Hoa Kỳ khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra cũng như củng cố vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc.
Mặc dù vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ, chính sách kinh tế Bidenomics có thể tóm gọn là đầu tư công quy mô lớn thông qua việc tăng thuế luỹ tiến vào các tập đoàn kinh tế lớn và người thu nhập cao.
Giáo sư kinh tế học Paul Krugman (đoạt giải Nobel về Kinh tế năm 2008) nhận định ông Joe Biden và các cộng sự đang ghi dấu ấn trong việc chủ động vực dậy nền kinh tế với Bidenomics, khởi đầu là gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD (American Rescue Plan) nhằm tăng tốc độ phục hồi của Hoa Kỳ thông qua các công cụ kinh tế và kiểm soát đại dịch Covid-19, kế đến là kế hoạch tạo việc làm thông qua thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng (American Jobs Plan).
Bước ngoặt chính sách kinh tế lớn của Hoa Kỳ
Chỉ chưa đầy một tháng sau khi tung ra gói kích thích kinh tế quy mô khổng lồ 1.900 tỷ USD, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp tục nêu ra đề xuất gói phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2.000 tỷ USD. Kế hoạch này chạm đến gần như mọi “ngõ ngách” trong bài toán phát triển hạ tầng của Hoa Kỳ từ phát triển các trạm sạc xe điện, xây nhà dưỡng lão đến thay thế các đường ống nước cũ.
Chính quyền của ông Joe Biden kỳ vọng nếu được thông qua và giải ngân trong vòng 8 năm tới đây, gói phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra “1 thập kỷ tăng trưởng mới” của Hoa Kỳ với hàng triệu việc làm mới và các ngành sản xuất tại nước này sẽ phát triển với tốc độ cao.
Phát biểu với giới truyền thông, Tổng thống Joe Biden nói: “Bạn nghĩ Trung Quốc đang chờ đợi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ư? Tôi cam đoan rằng họ không chờ đợi. Nhưng họ đang nhân cơ hội Hoa Kỳ đang tiến quá chậm, đối mặt với quá nhiều hạn chế và bị quá nhiều chia rẽ để đuổi kịp chúng ta. Chúng ta phải chứng minh cho cả thế giới thấy rằng nền dân chủ của chúng ta đang hoạt động, rằng chúng ta có thể cùng nhau tạo ra những điều lớn lao. Đó chính là Hoa Kỳ!”
Giới quan sát cho rằng, kế hoạch đầu tư hạ tầng của chính quyền ông Joe Biden đánh dấu một bước ngoặt lớn về quan điểm chính sách kinh tế của Hoa Kỳ với việc đầu tư công của chính phủ sẽ đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng. Điều này khác hẳn với quan điểm cho rằng khu vực công hoạt động kém hiệu quả và khu vực tư nhân cùng với thị trường tự do điều tiết mới là yếu tố dẫn đắt tăng trưởng.
Tuy nhiên, kế hoạch hạ tầng của ông Joe Biden được đề xuất trong bối cảnh tổng nợ quốc gia của Hoa Kỳ lên đến 129% tổng GDP nước này (năm 2020), chạm mức cao nhất kể từ hồi Thế Chiến II và vẫn đang gia tăng. Để có nguồn tài chính chi trả cho các kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có, Tổng thống Joe Biden muốn tăng thuế đối với giới doanh nghiệp và những người có thu nhập cao.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết việc tăng thuế doanh nghiệp giúp tăng thu ngân sách quốc gia thêm 2.500 tỷ USD trong vòng 15 năm, đủ trang trải cho gói cơ sở hạ tầng của ông Joe Biden.
Quan điểm phát triển kinh tế của ông Joe Biden hiện nay tương đồng với các chính sách dưới thời cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower sau khi Hoa Kỳ bước ra khỏi Thế chiến II. Việc gia tăng đầu tư công thông qua đánh thuế cao vào doanh nghiệp và người thu nhập cao lúc đó đã giúp Hoa Kỳ cải thiện đáng kể mức sống của tổng thể dân chúng.
Tuy nhiên, việc tăng thuế luôn là một vấn đề nhạy cảm tại Hoa Kỳ với nhiều rủi ro chính trị. Do đó, kể từ chương trình tăng thuế quy mô lớn của cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 đến nay, Hoa Kỳ chưa có một đợt tăng thuế nào khác tương tự đề xuất của ông Joe Biden.
Quan điểm của ông Joe Biden cũng hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm ông Donald Trump. Với góc độ là một nhà kinh doanh, ông Donald Trump cho rằng việc giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát là cách để thúc đẩy sự thịnh vượng.
Hoa Kỳ quay trở lại dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu
Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi mạnh mẽ với niềm tin tiêu dùng hiện chạm mức cao nhất và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái. Bất chấp việc cắt giảm sản lượng tại một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, điện tử…, hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ về tổng thể chung vẫn duy trì tốc độ tăng khả quan khi nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa qua đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong năm nay lên mức 6,4% - mức cao nhất kể từ những năm 1970 trở lại đây. Nhà kinh tế trưởng của IMF bà Gita Gopinath nhận định, về tổng thể, "tàn dư do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế Hoa Kỳ thậm chí là không còn".
Giới phân tích nhận định các gói kích thích kinh tế khổng lồ của ông Joe Biden đang dần phát huy tác dụng. IMF cũng cho biết những hoạt động kích thích kinh tế của Hoa Kỳ đang tạo hiệu ứng lan toả lên nền kinh tế toàn cầu.
Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ sẽ đóng góp tới 1% trong đà tăng trưởng 5,6% của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Sự bùng nổ nhu cầu mua sắm của người dân Hoa Kỳ hiện nay đang kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hoá mạnh từ các nền kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực Châu Á.
Trong khi đó, hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics (Anh) nhận định Hoa Kỳ đang lấy lại vai trò dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Trước đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, Trung Quốc đã đóng vai trò chính trong thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi khi Hoa Kỳ trải qua quá trình phục hồi kinh tế yếu nhất lịch sử kể từ những năm 1930. Điều này phản ánh sự linh hoạt của nền kinh tế lớn nhất thế giới trước các biến động, theo Oxford Economics.
Trong khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã tung ra chương trình kích thích lớn với các dự án phát triển đường sắt, sân bay, nhà ở… quy mô lớn. Sự bùng nổ xây dựng của Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu hàng hoá, nguyên liệu thô tăng cao và nhiều nước phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô đã được hưởng lợi, giúp ngăn chặn nền kinh tế toàn cầu lún sâu hơn nữa vào suy thoái.
Lần đầu tiên kể từ năm 2005, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng toàn cầu so với Trung Quốc trong năm nay. Quy mô nền kinh tế Hoa Kỳ hiện lớn hơn khoảng 30% so với quy mô kinh tế Trung Quốc do đó nếu cả hai quốc gia cố tốc độ tăng trưởng xấp xỉ nhau trong năm nay thì Hoa Kỳ sẽ đóng góp nhiều hơn Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của ông Joe Biden đã hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi mạnh mẽ. Tính đến giữa tháng 4/2021, đã có 24% tổng số dân Hoa Kỳ được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, số người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đã đạt 39% tổng dân số. Nhiều tiểu bang tại đây ghi nhận số người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đạt trên 50% tổng dân số.
Những con số trên cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới như khu vực Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Việc tiêm chủng diễn ra càng nhanh, càng cho phép Hoa Kỳ tái mở cửa lại nền kinh tế và giảm thiểu các tác động của dịch bệnh trong dài hạn.
Trung Quốc và thế giới sẽ chịu tác động ra sao?
Hiện vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ các tác động từ chính sách Bidenomics đến Trung Quốc – đối thủ “cạnh tranh nghiêm trọng nhất” đối với Hoa Kỳ. Nhưng thực tế cho thấy ngay từ những ngày đầu cầm quyền của mình, ông Joe Biden đang tạo ra một cuộc đua cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc.
Những tranh cãi dữ dội tại cuộc gặp cấp cao Hoa Kỳ -Trung Quốc đầu tiên dưới thời ông Joe Biden tại Alaska hồi cuối tháng 3 vừa qua cho thấy việc kiểm soát một mối quan hệ ngày càng mâu thuẫn là điều rất khó khăn.
Chính quyền của ông Joe Biden vẫn chưa có động thái giảm các khoản thuế quan đánh vào hàng hoá của Trung Quốc từ dưới thời ông Donald Trump và chỉ cho biết đang “xem xét lại các khoản thuế này”. Đây được coi là một công cụ để Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sức ép, buộc Trung Quốc phải chấp thuận các thoả thuận thương mại mới và xử lý các hành động thương mại không công bằng.
Trong khi đó, Trung Quốc đang ngày càng tin rằng “phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu” và tin tưởng rằng nhiều đồng minh và đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức nói riêng và EU nói chung luôn coi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất. Do đó, những nước này sẽ không muốn tham gia vào bất cứ chiến dịch chung nào nhằm chống lại Trung Quốc.
Hồi tháng 1/2019, tại một buổi tranh luận tại Detroit (Hoa Kỳ) với các đối thủ tranh của Tổng thống của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden đã nhấn mạnh “Hoặc là Trung Quốc sẽ đặt ra các quy tắc thương mại của thế kỷ 21 hoặc là chúng ta sẽ làm điều đó”.
Chính quyền của ông Joe Biden hiện đang nỗ lực hàn gắn quan hệ đối tác với khu vực Châu Âu và củng cố các quan hệ hiện có tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hướng đến việc tạo lập các liên minh mới dựa trên các lợi ích kinh tế và quan điểm chính trị chung.
Quan điểm kinh tế của ông Joe Biden cũng bao trùm việc đẩy nhanh cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để sớm thiết lập lại các cơ chế giải quyết thương mại toàn cầu cũng như củng cố vị thế của Hoa Kỳ tại cơ quan thương mại lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù Tổng thống Joe Biden được biết đến là người ủng hộ tự do hoá thương mại toàn cầu và chủ nghĩa đa phương nhưng ông cũng sẽ không vội vàng dỡ bỏ các hàng rào thuế quan mà sẽ tận dụng chủ nghĩa bảo hộ để đảm bảo các lợi ích của Hoa Kỳ. Điều này sẽ làm phức tạp hoá việc tạo ra các liên minh mới để kiềm chế Trung Quốc khi chính Hoa Kỳ và các nước đồng minh cũng đang áp dụng chủ nghĩa bảo hộ.
Những rủi ro kinh tế tiềm tàng
Sự phục hồi quá nhanh hiện tại của Hoa Kỳ cũng đang tạo ra những bất ổn cho chính nền kinh tế nước này cũng như phần còn lại của thế giới. Bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tục khẳng định duy trì chính sách siêu nới lỏng tiền tệ, việc giới đầu tư đổ xô mua cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ để hưởng lợi từ việc nền kinh tế đang đi lên đã khiến đồng USD liên tục tăng vọt, tăng khoảng 10% so với đồng Euro và gần 8% so với đồng Yên Nhật.
Đồng USD tăng giá khiến giá hàng hoá của các quốc gia khác trở nên rẻ hơn đối với người dân Hoa Kỳ nhưng điều này lại khiến các sản phẩm sản xuất tại Hoa Kỳ trở nên đắt hơn với khách hàng ở thị trường nước ngoài. Qua đó, có thể giảm giá trị xuất khẩu và gia tăng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với các nước khác.
Tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cảnh báo thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ sẽ đạt mức cao kỷ lục tương đương 4,4% GDP nước này vào cuối năm nay. Đây là mức cao nhất trong 15 năm qua và cao hơn gấp đôi năm 2019. Điều này có thể buộc giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ có các công cụ làm cân bằng hơn cán cân mậu dịch của Hoa Kỳ với các đối tác.
Giới phân tích cũng lo ngại việc FED tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản gần bằng 0% và bơm ròng tiền ra thị trường sẽ kích thích lạm phát tăng cao và các số liệu đang cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ gần như chắc chắn tăng mạnh vào cuối năm nay. FED liên tục trấn an thị trường là sẽ kiểm soát ổn định lạm phát và sẽ ngưng nới lỏng tiền tệ ngay khi lạm phát đạt mục tiêu. Tuy nhiên, việc FED buộc phải hạ nhiệt nền kinh tế đột ngột nếu như lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ để lại những hậu quả tiêu cực với các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển.