Bữa ăn Tết ngon nhưng chưa trọn vị vì nguy cơ mất cân đối dinh dưỡng
20:38 03/02/2022
Bên cạnh không khí rộn ràng của mùa xuân, thì hương vị ngày Tết không thể thiếu những món ăn ngon và lạ. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý thì rất dễ xảy ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Vậy, chúng ta cần lưu ý gì để có một cái Tết trọn vẹn, vui và khỏe?
1. Nguy cơ của sự mất cân đối về dinh dưỡng trong ngày Tết
Tết không chỉ là dịp gia đình đoàn tụ, sum vầy mà còn là thời gian để chúng ta nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn ngon.
Tuy nhiên các món ăn ngày Tết thường có năng lượng rất cao, nhiều đường, nhiều chất béo, chất đạm. Trong khi đó, rau xanh và trái cây tươi lại rất ít dẫn đến mất cân đối về dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân chính gây tăng cân, gây tái phát và làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh gout, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu….
Trong những ngày Tết, giờ giấc sinh hoạt và ăn uống thường bị đảo lộn, nhiều người thường ăn không đúng giờ, thậm chí bỏ bữa, để quá đói, ăn vội, ăn qua loa hoặc ăn bù. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp bị rối loạn tiêu hóa.
Theo TS. BSCK1 Dương Trọng Hiền - Trưởng khoa Cấp cứu Bụng, Phó trưởng Bộ môn Ngoại Đại học Quốc gia, để có một bữa ăn ngon và tiêu hóa tốt cần phải có đầy đủ các yếu tố từ hương vị món ăn, cảm giác, ăn đúng giờ.
Nếu ăn không đúng giờ, ăn khi chưa đói, ăn bù… thì tiêu hóa sẽ khó khăn, không có cảm giác ngon miệng, thức ăn lưu cữu trong dạ dày lâu gây đầy hơi, chướng bụng và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây rối loạn tiêu hóa.
Vì vậy, muốn phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, chúng ta cần lưu ý ăn cân bằng dinh dưỡng, ăn vừa đủ và ăn đúng giờ.
2. Nguyên tắc ăn uống trong ngày Tết
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, đối với ngày thường việc thực hiện một chế độ ăn hợp lý đã khó thì ngày Tết lại càng khó hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe chúng ta cần lưu ý một số nguyên tắc ăn uống trong ngày Tết như sau:
- Cố gắng đừng quá xáo trộn so với ngày thường.
- Nếu đi đâu xa, đi du lịch, về quê, thăm người thân ở nơi khác, chúng ta phải dự kiến, có kế hoạch chuẩn bị trước về thời gian ăn, thực phẩm mang theo để làm sao đảm bảo ăn đúng bữa.
- Một ngày ngoài ngũ cốc, thịt, cần đảm bảo ăn 3 đơn vị rau và 2 đơn vị quả (mỗi đơn vị khoảng 1 đĩa rau nhỏ).
- Đối với những người muốn giảm cân hay mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp… phải tuân thủ chế độ ăn riêng. Tùy từng trường hợp cụ thể nên thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ.
Để vui xuân đón Tết thật sự trọn vẹn, ý nghĩa và đảm bảo sức khỏe, chúng ta cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên trong gia đình: Cần duy trì chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Đối với người thừa cân, béo phì, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, gout... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.
TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Để bắt đầu ngày mới, bạn cần cung cấp năng lượng đầy đủ đảm bảo để cơ thể hoạt động cả ngày. Vậy nên, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất. Một bữa ăn lành mạnh là bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ 4 thành phần dinh dưỡng cơ bản: glucid, protein, lipid, chất xơ, ... Bữa sáng cũng cần đầy đủ các thành phần dinh dưỡng này.