Bữa sáng đủ chất dinh dưỡng, cân bằng và hợp lý sẽ là nguồn cung cấp năng lượng tối ưu cho các hoạt động thể chất, trí tuệ và cảm xúc của trẻ, nhất là giai đoạn 5-15 tuổi.
Bữa ăn sáng luôn được nhắc đến như một bữa ăn quan trọng nhất trong ngày cho cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt với trẻ em trong độ tuổi từ 5-15 tuổi, giai đoạn được nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra là 10 năm vàng với sự phát triển vượt bậc của trẻ. Tuy nhiên, có một thực tế là trong nhịp sống hối hả, tất bật, chất lượng bữa sáng cho trẻ chưa được đảm bảo.
Trước các cổng trường học, không khó để bắt gặp những hình ảnh trẻ em vội vàng ăn sáng với gói xôi hay ổ bánh mì. Có em được bố mẹ đưa đi học nhưng cũng phải tranh thủ ăn sáng ngay ngoài cổng trường cho thật nhanh để kịp giờ vào lớp.
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, có tới 1/3 số trẻ em trong độ tuổi học đường không ăn sáng hoặc ăn sáng không cân đối, không đảm bảo các giá trị dinh dưỡng cơ bản.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo: "Hậu quả đầu tiên của việc không ăn sáng là các cháu không được cung cấp năng lượng để khởi động cho quá trình hoạt động và chuyển hóa của cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng không ăn sáng còn làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì, trẻ cũng dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng hay bị mệt mỏi, buồn ngủ, khó tập trung, uể oải và hay cáu gắt, ảnh hưởng đến mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi".
Trong khi đó, theo công bố mới đây của Nestle Milo trong dự án cộng đồng "10 năm vàng - đừng lỡ làng", trẻ em trong độ tuổi từ 5-15 tuổi có tốc độ chuyển hóa năng lượng nhanh gấp 1,5-2 lần so với người lớn. Chính vì vậy, việc bổ sung năng lượng, trong đó có bữa sáng, để trẻ phát triển toàn diện là rất quan trọng.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên nên cho con ăn sáng tại nhà cùng với gia đình, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là làm cho không khí gia đình, tình cảm gia đình tốt hơn. Đó cũng là cách xây dựng một thói quen dinh dưỡng hợp lý cho cả gia đình, đồng thời làm giàu thêm sự trưởng thành về nhận thức, cảm xúc của trẻ.
Theo VTV