9 đồ uống có đường không nên tiêu thụ thường xuyên
16:02 04/12/2022
Nước ép hoa quả, cacao nóng, nước dừa đóng hộp, nước tăng lực, đồ uống thể thao có hàm lượng đường cao, không tốt cho sức khỏe.
Tiêu thụ quá nhiều đường không tốt cho sức khỏe, gây nguy cơ béo phì, mắc các bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp cao... Một số loại đồ uống có hàm lượng đường tương đương như trong thực phẩm. Dưới đây là nhữngloại đồ uống chứa nhiều đường có thể gây hại cho sức khỏe.
Nước hoa quả: Trong khi trái cây rất giàu chất xơ thì nước ép trái cây lại không. Vì vậy, khi bạn chọn nước ép trái cây, nên chọn uống nguyên chất, tránh cho thêm đường hoặc các chất bổ sung vào đồ uống. Một số loại nước ép như việt quất, nho, lựu, xoài (chín), dù nguyên chất vẫn chứa hàm lượng đường cao. Bạn nên giảm tần suất tiêu thụ các loại nước ép này.
Cacao nóng: Một ngụm cacao nóng có thể ấm áp và ngon miệng, nhưng một cốc cacao 400ml có thể chứa đến 43g đường, nhiều hơn một lon cola. Nếu thích cacao, bạn nên tự pha chế hỗn hợp này, không sử dụng đường để kiểm soát được lượng chất ngọt; hoặc thêm gia vị như một chút quế hay cayenne để tăng thêm hương vị.
Nước dừa đóng hộp: Một hộp nước dừa chứa nhiều chất điện giải như kali, khoáng. Nhưng nó cũng chứa các chất làm ngọt không calo. Bạn nên dùng nước dừa từ quả dừa nguyên chất.
Sữa chua có đường: Probiotics trong sữa chua có thể giúp giữ cho đường ruột khỏe mạnh nhưng các phiên bản có hương vị thường sử dụng nhiều đường, làm giảm vị truyền thống của sữa chua.
Nước tăng lực: 300 ml nước tăng lực bổ sung 124 calo và 32 gam đường. Bạn chỉ nên thi thoảng sử dụng loại đồ uống này, không nên lạm dụng, nhất là trong trường hợp bạn đang cần kiểm soát lượng đường trong máu.
Cà phê sữa: Cà phê sữa, latte vani, caramen cà phê... thường chứa ít cà phê nhưng lại nhiều đường và các chất bổ sung. Chúng giúp cà phê đa dạng hương vị hơn nhưng lại có quá nhiều đường. Để đảm bảo sức khỏe tốt, bạn nên pha cà phê bằng với một ít sữa, hạn chế đường và chất làm ngọt, tốt nhất là uống cà phê đen nguyên chất.
Đồ uống thể thao: Nếu bạn tham gia các môn thể thao mất nhiều mồ hôi như chạy marathon, nhảy, đá bóng, một chai nước uống thể thao có thể giúp giảm 50 gr đường tiêu thụ mỗi ngày. Nhưng nếu bạn ngồi văn phòng, lượng calo và đường trong một chai nước uống bổ sung là dư thừa với sức khỏe.
Nước chanh: Để nước chanh không bị chua, mọi người thường thêm đường khi pha. Sử dụng loại nước uống này thường xuyên có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Sinh tố: Trái cây rất tốt cho sức khỏe, nhưng ăn quá nhiều trái cây sẽ bổ sung nhiều calo và đường, dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Một ly sinh tố, ngoài đường trong trái cây, người pha chế có thể thêm sữa, đường khi xay nhuyễn.