1. Sử dụng không đủ liều lượng: Thoa kem chống nắng quá ít khiến làn da không nhận được sự bảo vệ tối ưu khỏi tia UV. Bác sĩ da liễu ở Okemos (Michigan, Mỹ) giải thích trên Real Simple: "Với sản phẩm có chỉ số SPF 15, nếu thoa không đủ liều lượng, hiệu quả chống nắng sẽ tương đương sản phẩm mang chỉ số SPF 8". Lượng kem chống nắng bằng kích cỡ lòng bàn tay đủ dùng cho cơ thể. Còn trên mặt, bạn nên bôi kem chống nắng có hàm lượng bằng kích cỡ đồng xu. Ảnh: Carilion Living.
2. Không thoa lại kem chống nắng: Kem chống nắng với bất kể công thức nào, bao gồm loại chống nước, đều suy giảm tác dụng sau 2 tiếng sử dụng dưới ánh nắng. Nếu bơi lội hoặc đổ nhiều mồ hôi, thời gian trên sẽ càng rút ngắn. Khi thoa lại kem chống nắng, bạn có thể dùng nước tẩy trang để làm sạch lớp kem trước đó. Trong trường hợp phải duy trì lớp trang điểm, hãy dặm lại bằng sản phẩm chống nắng dạng bột. Ảnh: Lanxel.
3. Chỉ nhìn vào chỉ số SPF: SPF (Sun Protective Factor) là chỉ số bảo vệ da khỏi tia UVB (gây bỏng nắng). Trong khi đó, tia UVA từ ánh nắng cũng mang đến nhiều tác hại. Mang bước sóng dài hơn tia UVB, tia UVA xâm nhập sâu hơn vào da, phá hủy cấu trúc collagen và dẫn đến lão hóa da. Nên dùng kem chống nắng phổ rộng, có chữ "broad-spectrum" (ngăn cản tia UVA và UVB) trên bao bì. Với kem chống nắng sử dụng ký tự PA, hãy chọn sản phẩm có ký tự PA kèm những dấu cộng phía sau từ +++ trở lên. Ảnh: Chophealth.
4. Không làm theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì: Các thành phần chống nắng hóa học cần một khoảng thời gian để kích hoạt khả năng hấp thụ tia UV. Khi dùng kem chống nắng hóa học, bạn cần thoa trước khi ra nắng khoảng 20 phút. Thông tin này được ghi chú trên bao bì ở phần hướng dẫn sử dụng. Ngược lại, 2 thành phần chống nắng vật lý - titanium oxide và zinc oxide - sẽ hoạt động ngay lập tức sau khi thoa. Với kem chống nắng vật lý, bạn không cần chờ đợi thành phần chống nắng bên trong phát huy tác dụng. Ảnh: Byrdie.
5. Người có làn da nâu không cần thoa kem chống nắng: Bác sĩ da liễu Jeanine Downie ở Montclair (New Jersey, Mỹ) cho biết: "Người mang làn da sẫm màu thường mang chỉ số SPF tự nhiên từ 5 đến 8. Lượng melanin dư thừa đó có thể giảm thiểu nguy cơ bỏng rát do ánh nắng. Tuy nhiên, chúng không đủ để bảo vệ da khỏi tia UVA - tác nhân gây lão hóa, ung thư da hàng đầu". Ảnh: Allure.
6. Chỉ thoa kem chống nắng cho mặt: Tai, môi và gáy của bạn cũng cần được bảo vệ bằng cách dùng kem chống nắng. Riêng với môi, bạn có thể dùng son dưỡng chứa chỉ số SPF trên 30. Ảnh: Allure.
7. Chỉ dựa vào kem chống nắng: Kem chống nắng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi tia UV. Thế nhưng, nó không phải thứ duy nhất. Khi ra nắng, bạn nên mặc quần áo dài, tối màu. Trang phục làm từ chất liệu vải tối màu cùng đường may chặt chẽ cung cấp thêm khả năng chống nắng. Ảnh: The Skin Cancer Foundation.
8. Dùng kem chống nắng trong thời gian quá lâu: Trong điều kiện chưa mở nắp, kem chống nắng thường có hạn sử dụng khoảng 2-3 năm. Nếu đã mở nắp, thời gian này giảm còn 6 tháng. Không thoa kem chống nắng đã hết hạn sử dụng, có sự thay đổi về kết cấu, màu sắc hay mùi hương. Ảnh: Business Standard.
Theo Zing News
|