Trang trí món ăn bằng rau quả, khuyến khích trẻ ăn đúng giờ, gia giảm lượng đường… là một số cách phụ huynh bận rộn duy trì thể trạng cho con.
Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh giai đoạn sớm giúp trẻ duy trì năng lượng cần thiết, phát triển trí não, duy trì tinh thần vui vẻ.... Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đây cũng là cách tự nhiên giúp cơ thể trẻ ngăn ngừa sự tấn công của bệnh tật như bệnh tim, huyết áp cao, béo phì, tiểu đường type 2... 6 mẹo đơn giản sau có thể giúp cha mẹ bận rộn khuyến khích bé chủ động học tập nhịp ăn uống lành mạnh một cách tự nhiên.
Giúp trẻ nhận biết sự hấp dẫn của trái cây
Ba mẹ có thể thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách đặt trái cây tươi ở nơi con dễ trông thấy hoặc trong chén, đĩa mà trẻ thích dùng. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể hòa rau củ quả băm nhỏ trong khẩu phần ăn chung cho con. Bạn cũng có thể trang trí bông cải xanh như một cái cây, súp lơ trắng làm đám mây và bí đỏ thành ông mặt trời trên đĩa thức ăn của trẻ. Đối với trẻ lớn, cha mẹ chọn mua loại trái cây cả quả như táo, chuối, quýt... để con dễ cầm theo trên đường khi ra ngoài. Khi đi mua sắm, bạn hãy để con tự chọn loại trái cây ưa thích.
Chuẩn bị bữa sáng đủ protein
Cha mẹ có thể chuẩn bị bữa sáng cân bằng và chứa protein nhằm giúp trẻ bắt đầu ngày mới nhiều năng lượng. Viện Dinh dưỡng quốc gia Mỹ cho biết, bữa sáng lành mạnh, đủ protein còn giúp trẻ độ tuổi thanh thiếu niên giữ cân nặng hợp lý. Sandwich trứng (vỏ bánh mì nguyên cám), sữa chua, bánh mì nướng bơ đậu phộng (vỏ bánh từ ngũ cốc nguyên hạt) là một số bữa sáng vừa dễ chuẩn bị vừa đủ chất cho trẻ. Một bữa sáng với trứng luộc (chín kỹ), bánh mì nướng kèm một quả táo cũng là lựa chọn đơn giản mà bé có thể mang theo dùng khi đi học.
Ăn đúng giờ
Cha mẹ cũng có thể tập cho con thói quen ăn đúng bữa trong thời điểm cố định. Giờ ăn cố định giúp trẻ thoải mái phát triển theo thói quen, cảm thấy an tâm khi được thường xuyên quây quần bên gia đình vào những thời điểm nhất định trong ngày. Đây cũng là dịp cha mẹ trò chuyện với con cái, nhận biết sở thích ăn uống của con và là dịp người lớn làm gương và hướng dẫn cho con.
Trẻ lớn và thanh thiếu niên thường dành nhiều thời gian hơn để ăn ở trường hoặc ăn cùng bạn bè. Ăn cùng người thân cũng là dịp bạn nhận biết sở thích của trẻ, nhằm khuyến khích trẻ hình thành thói quen ăn uống đa dạng dưỡng chất hơn..
Thay đổi dần thành phần bữa ăn
Cha mẹ cân nhắc lựa chọn thay thế từ từ những thành phần món ăn không tốt cho sức khỏe bằng những thực phẩm lành mạnh hơn cho con. Bạn có thể chuyển nước ngọt có gas thành nước hoặc nước có gas, thay kem thành các món sinh tố tự làm, thay bơ bằng dầu olive. Nếu trẻ thích khoai tây chiên, ba mẹ có thể kèm thêm các loại hạt nướng với khoai tây chiên, gia giảm dần lượng khoai.
Gia giảm lượng đường
Đường thường được thêm vào một số thực phẩm như bánh mì, súp đóng hộp hoặc gia vị đóng chai (như tương cà, bữa ăn đông lạnh và thức ăn nhanh). Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn thường xuyên những thực phẩm này, đồng thời thay thế lượng đường nhân tạo bằng đường tự nhiên trong khẩu phần ăn của con.
Để giảm lượng đường trong khẩu phần ăn cho trẻ, cha mẹ lưu ý không nên bắt trẻ dừng ăn đồ ngọt vì có thể càng tạo cảm giác thèm ăn cho con. Bạn nên chuyển đổi những thực phẩm này thành món ăn kèm (gia giảm dần khẩu phần) thay vì là phần ăn thông thường trong bữa ăn cho trẻ. Sau đó, bạn có thể thay thế bằng trái cây có vị ngọt, sinh tố trái cây như món tráng miệng. Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo, trẻ em không nên ăn quá 12 gram đường mỗi ngày (3 thìa cà phê).
Chọn lựa nhóm chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống, giúp no lâu và tạo năng lượng duy trì mọi hoạt động của cơ thể. Nhóm chất béo lành mạnh cũng có lợi cho não bộ, giúp cải thiện trí nhớ và giúp tâm trạng vui vẻ. Chất béo lành mạnh (không bão hòa) gồm có nhóm chất béo không bão hòa đơn (trong dầu olive, bơ, hạt hạnh nhân, hạt bí ngô, mè...) và nhóm chất béo không bão hòa đa (hạt lanh, quả óc chó, acid béo omega-3 trong cá béo như cá hồi).