Bổ sung vitamin A giúp bảo vệ thị lực, sức khỏe xương, duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh để chống lại các nguy cơ gây bệnh.
Vitamin A cần thiết để duy trì thị lực khỏe mạnh, đảm bảo chức năng bình thường của hệ thống miễn dịch, hỗ trợ sự tăng trưởng, phát triển của trẻ sơ sinh. Nam giới nên bổ sung 900 mcg, phụ nữ 700 mcg, trẻ em và thanh thiếu niên cần 300-600 mcg dưỡng chất mỗi ngày.
Bảo vệ đôi mắt
Một trong những triệu chứng đầu tiên của sự thiếu hụt vitamin A có thể là quáng gà. Sắc tố rhodopsin rhodopsin được tạo nên từ hợp chất protein, carotenoit (dẫn chất của vitamin A). Rhodopsin giúp cho mắt nhìn thấy ánh sáng yếu. Những người quáng gà có thể nhìn bình thường vào ban ngày, nhưng bị giảm thị lực trong bóng tối do mắt gặp khó khăn để thu nhận ánh sáng.
Ngoài việc ngăn ngừa bệnh quáng gà, ăn đủ lượng beta-carotene (tiền chất của vitamin A) có thể giúp làm chậm sự suy giảm thị lực khi già đi. Nghiên cứu về bệnh mắt liên quan đến tuổi tác cho thấy việc cho những người trên 50 tuổi mắc một số bệnh thoái hóa thị lực bổ sung chất chống oxy hóa (bao gồm beta-carotene) giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng tiến triển đến 25%.
Giảm nguy cơ ung thư
Ung thư xảy ra khi các tế bào bất thường bắt đầu phát triển hoặc phân chia một cách mất kiểm soát. Vitamin A đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng, phát triển của tế bào. Trong các nghiên cứu quan sát, ăn nhiều vitamin A dưới dạng beta-carotene có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư hạch Hodgkin, cổ tử cung, phổi và bàng quang. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, tác dụng của dưỡng chất với vấn đề này cần nghiên cứu thêm.
Hỗ trợ hệ thống miễn dịch
Vitamin A đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Dưỡng chất này tham gia vào quá trình sản xuất, chức năng của tế bào bạch cầu, góp phần loại bỏ vi khuẩn, mầm bệnh khác. Điều này có nghĩa là sự thiếu hụt vitamin A có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nhiễm trùng, làm chậm quá trình hồi phục khi bị ốm.
Giảm nguy cơ mọc mụn
Mụn trứng cá là một chứng rối loạn viêm da mạn tính. Những người gặp tình trạng này xuất hiện nốt mụn gây đau, phổ biến thường ở trên mặt, lưng, ngực. Nguyên nhân do tuyến bã nhờn bị tắc nghẽn với da chết, dầu.
Mặc dù các nốt mụn vô hại về mặt thể chất, nhưng mụn trứng cá có thể ảnh hưởng thẩm mỹ, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, dẫn đến lo lắng và trầm cảm. Các chuyên gia y tế cho rằng thiếu hụt vitamin A có thể làm tăng nguy cơ phát triển mụn trứng cá.
Hỗ trợ sức khỏe xương
Các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết để duy trì xương khỏe mạnh khi cơ thể già đi là protein, canx, vitamin D. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vitamin A có liên quan đến sức khỏe xương kém.
Thực tế, những người có lượng vitamin A trong máu thấp hơn có nguy cơ bị gãy xương cao hơn. Ngoài ra, một phân tích tổng hợp gần đây của các nghiên cứu quan sát cho thấy những người có tổng lượng vitamin A cao trong chế độ ăn uống có nguy cơ gãy xương giảm 6%.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng những người hấp thụ nhiều vitamin A cũng có nguy cơ gãy xương cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng, mối liên hệ giữa vitamin A và sức khỏe của xương cần có nhiều thử nghiệm sâu hơn.
Thúc đẩy sức khỏe sinh sản
Vitamin A cần thiết để duy trì sức khỏe sinh sản khỏe mạnh ở cả nam và nữ, đảm bảo sự phát triển. Ở phụ nữ mang bầu, vitamin A tham gia vào sự tăng trưởng, phát triển của khung xương, hệ thần kinh, tim, thận, mắt, phổi, tuyến tụy của thai nhi.
Bên cạnh đó, bổ sung quá nhiều vitamin A trong thời kỳ mang thai cũng có thể gây hại cho thai nhi, dẫn đến dị tật bẩm sinh. Do đó, nhiều cơ quan y tế khuyến cáo phụ nữ nên tránh loại thực phẩm như pa-tê, gan, thực phẩm bổ sung có chứa vitamin A trong thai kỳ.