Viêm gan virus A, tiêu chảy cấp, tả, lỵ, thương hàn… là những bệnh lây qua đường tiêu hóa thường gặp, có thể nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.
Ăn uống những thực phẩm nhiễm vi sinh vật có hại là nguyên nhân chính gây bệnh đường tiêu hóa. Các mầm bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm... xâm nhập vào đường tiêu hóa, phát triển và gây tổn thương các cơ quan hoặc tiết ra độc tố gây bệnh. Theo bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, dưới đây là 5 bệnh thường gặp lây qua đường tiêu hóa.
Viêm gan virus A
Virus viêm gan A (HAV) có trong nước bọt, nước tiểu, trong phân của người bệnh.. Loại virus này lây qua đường tiêu hóa như ăn thực phẩm hoặc uống nước nhiễm virus, dùng chung đồ cá nhân với người bệnh... Người bị nhiễm virus viêm gan A có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, sốt, tiểu ít, tiểu vàng, vàng da vàng mắt...
Theo Tiến sĩ Khanh, viêm gan virus A là bệnh cấp tính nhưng trong một số trường hợp có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh gây suy gan, hội chứng Guillain - Barre, viêm tụy cấp... ở những người cao tuổi, có bệnh lý nền về gan hoặc suy giảm miễn dịch.
Tiêu chảy cấp
Người bị tiêu chảy cấp dễ mất nước và nhiều chất quan trọng. Tình trạng mất nước không được bù nước và can thiệp kịp thời có thể gây suy kiệt sức khỏe, tử vong nhanh chóng. Đối tượng dễ mắc bệnh thường là trẻ em, người suy dinh dưỡng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do thực phẩm, đường ruột nhiễm khuẩn vi sinh vật gây bệnh như rotavirus, khuẩn tả, e.coli, trực khuẩn lỵ, thương hàn...
Bệnh thương hàn
Trực khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn. Người mắc bệnh có triệu chứng nhiễm độc toàn thân như sốt cao, đau quặn bụng, đầy hơi, tiêu chảy... Bệnh thương hàn cần được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột...
Kiết lỵ
Khuẩn amip và trực trùng là hai nguyên nhân thường gặp gây bệnh kiết lỵ. Người lớn có nguy cơ mắc amip và dễ tiến triển mạn tính. Triệu chứng của bệnh là đau quặn bụng, sốt, đại tiện nhiều lần nhưng phân ít, phân chứa chất nhầy lẫn máu. Trẻ em thường mắc bệnh lỵ do trực trùng. Bệnh gây sốt cao, đau bụng, đại tiện nhiều lần... Trẻ có nguy cơ tử vong do mất nước và độc tố của vi trùng.
Bệnh tả
Vi khuẩn vibrio cholerae có trong thức ăn và nước uống gây bệnh tả. Người mắc bệnh cấp tính này thường tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải, nôn... Theo tiến sĩ Khanh, bệnh có nguy cơ lây lan nhanh thành dịch, có tỷ lệ tử vong cao.
Các bệnh lây qua đường tiêu hóa thường là bệnh cấp tính, có thể phòng tránh. Một số biện pháp ngăn ngừa bệnh như chú trọng vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt... Nếu có các biểu hiện bất thường nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.