Ăn thực phẩm nguồn gốc thực vật, tránh rượu bia, thịt chế biến sẵn, không dùng thuốc bổ sung liều cao, tập thể dục là lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng, giúp ngừa ung thư.
Nguy cơ mắc ung thư của một người phụ thuộc vào lối sống, chế độ ăn uống và tập thể dục, cũng như yếu tố di truyền từ các thế hệ trước. Ngay cả việc tiếp xúc với hóa chất tại nơi làm việc cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Mặc dù không có cách nào để phòng tránh ung thư tuyệt đối nhưng việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng góp phần bảo vệ sức khỏe.
Nichole Andrews, chuyên gia dinh dưỡng chuyên hỗ trợ quá trình hồi phục của người bệnh ung thư, tại Kennewick, Washington, đã đưa ra những lời khuyên về thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống để giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật
Bí quyết đầu tiên Andrews chia sẻ là thêm nhiều đồ ăn có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn uống. Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF), bằng chứng cho thấy rằng ăn ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm giàu chất xơ giúp chống lại ung thư đại trực tràng. Mối liên hệ đó cũng nhất quán trong các nghiên cứu về chế độ ăn uống và nguy cơ ung thư nói chung.
Andrews cho rằng không nên ăn thuần chay hoàn toàn, nhưng hãy ưu tiên các thực phẩm như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt trong bữa ăn.
"2/3 số đồ ăn trong bữa nên là trái cây, rau, đậu, các loại đậu, ngũ cốc, quả hạch hoặc hạt", cô nói
WCRF khuyến nghị rằng một chế độ ăn uống lành mạnh nên chứa 30 g chất xơ và ít nhất 400 g trái cây và rau quả mỗi ngày, đặc biệt là các loại rau củ quả không chứa tinh bột.
Không dùng bia, rượu, thuốc lá và thịt chế biến sẵn
Theo Andrews, rượu đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư. Cắt bỏ rượu là một lựa chọn khôn ngoan giúp loại bỏ một trong những chất gây ung thư phổ biến nhất. Theo WCRF, tiêu thụ đồ uống có cồn có thể gây ra ung thư miệng, cổ, thực quản, gan, vú, ruột kết và dạ dày.
Tương tự, Andrews cũng khuyến nghị tránh xa các loại thịt chế biến sẵn vì chúng có liên quan đến ung thư đại trực tràng.
Bỏ hút thuốc lá cũng là cách để phòng tránh ung thư, theo Andrews. Trong nhiều năm, các bác sĩ đã phát hiện hút thuốc lá gây ra hầu hết trường hợp ung thư phổi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác.
Duy trì hoạt động thể chất lành mạnh
Để có lối sống lành mạnh, Andrews khuyên bạn hãy dành ít nhất 150 phút cho hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần, hoặc 30 phút vận động mỗi ngày. Chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị giảm lượng đường và tiêu thụ thức ăn nhanh để giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Các chuyên gia y tế của WCRF khuyên bạn nên đi bộ nhiều hơn và ngồi ít hơn để bảo vệ khỏi ung thư vú, ruột kết và nội mạc tử cung.
Không dùng thực phẩm chức năng bổ sung liều cao
Cuối cùng, Andrews đưa ra cảnh báo về các thành phần bổ sung (dietary supplement). Đây là sản phẩm chứa thành phần dinh dưỡng nhằm bổ sung dưỡng chất bên cạnh bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, liều lượng cao của một số vitamin và khoáng chất trong đó có liên quan đến việc gây ung thư ở người. Theo một số nghiên cứu, sử dụng beta carotene liều cao - chất hữu cơ giúp bổ sung vitamin A, có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc.
Nói chung, WCRF khuyến nghị mọi người ưu tiên đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh thay vì lạm dụng các chế phẩm bổ sung.