Viêm xoang hay nhiễm trùng xoang do nấm xảy ra khi bạn hít phải những loại nấm cực nhỏ trong môi trường, chủ yếu là aspergillus.
Nấm gây viêm xoang có thể phát triển mạnh trong môi trường ấm và ẩm ướt. Chúng tồn tại trong đất, nước, không khí, trên cây, trong nhà, trên các bề mặt, da, trong thực phẩm...
Chức năng chính của xoang là tạo ra chất nhầy ngăn các mảnh vụn bụi bẩn và mầm bệnh bị hít trực tiếp vào phổi. Nếu xoang bị tắc, nhiễm trùng sẽ phát triển. Tình trạng này làm cho chất nhầy đặc lại, có màu vàng hoặc xanh, tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng. Viêm xoang do nấm có thể nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong ở một số trường hợp như tiểu đường, ung thư máu, người có hệ miễn dịch suy yếu. Các triệu chứng chung như mệt mỏi, mất mùi hoặc vị, nghẹt mũi, sổ mũi, đau hoặc áp lực ở mặt và xoang.
Có hai loại viêm xoang do nấm là không xâm lấn và xâm lấn. Dạng không xâm lấn gồm viêm mũi xoang dị ứng do nấm, nhiễm trùng xoang bóng do nấm và viêm xoang do nấm hoại sinh. Dạng xâm lấn được chia thành viêm mũi xoang xâm lấn tối cấp, viêm mũi xoang xâm lấn mạn tính và viêm xoang xâm lấn u hạt. Tỷ lệ mắc dạng không xâm lấn xảy ra thường xuyên hơn các loại xâm lấn.
Viêm xoang do nấm không xâm lấn: Bệnh thường không nguy hiểm vì không xâm lấn các mô bên ngoài xoang. Trong đó, viêm mũi xoang dị ứng do nấm phổ biến hơn cả, xảy ra khi hít phải nấm (chủ yếu là aspergillus) từ môi trường gây ra phản ứng dị ứng. Các triệu chứng phổ biến gồm nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi với chất tiết đặc, đau đầu, căng cơ mặt, ống dẫn nước mắt bị tắc (khó chịu, chảy nước mắt), một số trường hợp mất khứu giác.
Nhiễm trùng xoang bóng do nấm hay u nấm là tình trạng sợi nấm tích tụ trong xoang và tạo thành bóng nấm. Nếu không được điều trị, những quả bóng này phát triển to hơn và làm tắc nghẽn các xoang, gây đau, sưng ở mặt. Bóng nấm cũng có thể bẫy vi khuẩn, dẫn đến nhiễm trùng.
Viêm xoang do nấm hoại sinh xảy ra khi nấm xâm chiếm chất nhầy trong mũi. Bệnh không ảnh hưởng đến mô mũi và có thể không có triệu chứng nên khó chẩn đoán. Đặc điểm chính của loại này là có mùi hôi trong mũi.
Viêm xoang do nấm xâm lấn: Bệnh thường xảy ra ở người mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch. Viêm xoang do nấm xâm lấn gồm cấp tính hoặc mạn tính và có thể phá hủy mô mũi. Dạng cấp tính có thể đe dọa tính mạng vì bệnh lây lan nhanh chóng khắp các mạch máu và hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống. Dạng mạn tính lây lan chậm hơn trong mạch máu và rất dễ nhầm lẫn với nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
Các triệu chứng phổ biến của viêm xoang do nấm xâm lấn gồm sốt, đau đầu, đau và sưng ở mặt, ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, mùi hôi trong mũi, giảm tầm nhìn, lú lẫn, mất phương hướng, suy giảm trí nhớ, dao động cảm xúc. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, mọi người cần nhanh chóng nhập viện vì viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính lây lan rất nhanh, có thể gây tử vong.
Viêm mũi xoang xâm lấn tối cấp (AFIRS) hiếm gặp nhưng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh xảy ra khi hít phải loại nấm có thể phát triển trên niêm mạc mũi và xoang. Loại nấm này có thể nhanh chóng lan đến mắt và não, gây ra sự phá hủy các mô trên đường đi. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sợi nấm xâm lấn mạch máu dẫn đến chết các mô xung quanh, viêm mạch máu, hình thành cục máu đông.
Viêm mũi xoang xâm lấn mạn tính tương tự như AFIRS nhưng khởi phát các triệu chứng và tiến triển rất chậm (vài tháng). Bệnh thường xảy ra ở người tiểu đường hoặc cấy ghép tạng. Các triệu chứng phổ biến gồm nghẹt mũi, căng và đau mặt, nhức đầu. Vì bệnh tiến triển rất chậm, chẩn đoán sớm sẽ tăng khả năng cứu sống bệnh nhân. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây co giật và các vấn đề về tâm thần.
Viêm xoang do nấm xâm lấn u hạt cũng hiếm gặp, do các ký sinh trùng gây ra và có thể dẫn đến phá hủy xương. Bệnh phổ biến ở các khu vực có khí hậu khô như Sudan, Ấn Độ và Ả Rập Saudi. Loại viêm xoang này chủ yếu ảnh hưởng đến người khỏe mạnh.
Điều trị viêm xoang do nấm tùy thuộc vào loại nhiễm trùng và tình trạng sức khỏe. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm thuốc kháng nấm, phẫu thuật xoang, rửa mũi và thuốc corticosteroid. Nếu điều trị sớm, hầu hết các trường hợp viêm xoang do nấm không xâm lấn có thể được kiểm soát dễ dàng, kể cả tái phát. Viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính rất khó chữa ngay cả khi có sự can thiệp y tế tích cực, tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch chẩn đoán sớm mới có thể tăng tỷ lệ sống sót khi mắc viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính.
Để phòng ngừa viêm xoang do nấm, mọi người cần tránh gây nhiễm trùng xoang như rửa mũi bằng nước muối hoặc dung dịch rửa vô trùng, uống đủ nước, thường xuyên rửa tay và giữ gìn vệ sinh tốt, tránh dùng chung vật dụng cá nhân (quần áo, khăn, khẩu trang...).