Tâm lý lo sợ gây ra bởi thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, cũng như sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khiến chuỗi cung ứng chip điện tử toàn cầu rơi vào hỗn loạn.
“Khi tôi nhận ra tình trạng thiếu hụt vào tháng 1, mọi thứ đã quá muộn”, Dung, người sáng lập kiêm CEO của một công ty khởi nghiệp về phần cứng máy tính ở Đài Bắc (Đài Loan), chia sẻ với Nikkei Asia về tình trạng thiếu chip điện tử trên quy mô toàn cầu.
“Một vài nhà cung cấp nói rằng tôi phải chờ đến tháng 10, thậm chí có thể lâu hơn, để có chip điện tử. Trước đây tôi chỉ cần đặt trước một tháng. Điều này có nghĩa tôi không thể xuất ra sản phẩm trong gần một năm tới, dù có yêu cầu của khách hàng”, Dung cho biết.
Những doanh nghiệp quy mô nhỏ như công ty của Dung là nạn nhân đầu tiên của sự thiếu hụt chip điện tử khắp thế giới. Trong chuỗi cung ứng công nghệ, họ không có khả năng và tiếng nói như các doanh nghiệp lớn.
Cuộc khủng hoảng nặng nề
Bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2020, tình trạng thiếu hụt chip điện tử ngày càng tồi tệ. Các ông lớn như Apple hay Samsung cũng bị ảnh hưởng, thậm chí nó có tác động đến cả lĩnh vực chính trị và ngoại giao.
Ngày 12/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã họp về vấn đề này với lãnh đạo các công ty thiết bị điện tử hàng đầu như Intel, Samsung Electronics và TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.), cũng như các nhà sản xuất ôtô lớn như Ford hay General Motors.
Lỗ hổng trong chuỗi cung ứng chip trở thành vấn đề gai góc đối với chính quyền Biden khi các tập đoàn ôtô bị ảnh hưởng. Mỹ, Nhật Bản và Đức, ba nước sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, đã yêu cầu các nền kinh tế mạnh về chip điện tử như Hàn Quốc hay Đài Loan ưu tiên sản xuất chip dành cho ôtô. Điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy vi tính và nhiều sản phẩm khác.
Mỹ, Nhật Bản và Đức lo ngại rằng các tập đoàn ôtô sẽ phải giảm sản lượng, thậm chí dừng sản xuất do thiếu chip. Điều này sẽ ảnh hưởng đến người lao động, cũng như làm chậm đà phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Hệ quả của sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng công nghệ dẫn tới cuộc đua giành nguồn cung gay gắt. Các doanh nghiệp không ngại dùng mọi cách để có ưu thế trước đối thủ.
“Chúng tôi chấp nhận trả giá cao hơn và đề nghị nhà cung cấp không bán chip cho các công ty nhỏ. Tôi chắc rằng các đối thủ cũng đang làm như vậy”, lãnh đạo một công ty sản xuất máy tính chia sẻ với Nikkei Asia. “Nếu chúng tôi không có đủ chip và các bộ phận khác, tôi không muốn các đối thủ có được chúng. Nếu tôi bị ảnh hưởng, tôi phải kéo các đối thủ xuống theo”.
Nguyên nhân do đâu?
Dù nhu cầu gia tăng đột biến trong ngành sản xuất ôtô đã làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt trong cung ứng, nguyên nhân của tình trạng thiếu chip toàn cầu phức tạp hơn nhiều.
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc phải phong tỏa một phần, làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ. Khi việc sản xuất được phục hồi, các công ty tranh nhau đặt hàng nhiều sản phẩm hơn cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai.
Đại dịch cũng làm tăng nhu cầu về chip ở nhiều lĩnh vực. Khi cả thế giới phải chuyển sang làm việc từ xa, nhu cầu về các thiết bị điện tử gia tăng.
Sự phát triển của công nghệ 5G cũng đóng góp vào tình trạng này. Một chiếc điện thoại 5G thông thường cần 3 anten, trong khi điện thoại 4G chỉ cần một chiếc. Do đó, số chip điện tử mà điện thoại 5G cần cũng nhiều hơn.
Trước đại dịch, chuỗi cung ứng công nghệ cũng đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump cấm Huawei tiếp cận với công nghệ thiết yếu từ Mỹ, các công ty Trung Quốc cố gắng tích trữ thiết bị từ Mỹ, dẫn tới sự gia tăng trong nhu cầu về chip điện tử, cũng như các thiết bị công nghệ quan trọng khác.
Nhân dịp này, một số đối thủ cạnh tranh đẩy mạnh thu mua chip với hy vọng giành lấy thị phần của Huawei. Điều này lại khiến tình hình thêm tồi tệ.
Tác động sâu rộng
Không chỉ các công ty nhỏ, các ông lớn về điện thoại thông minh cũng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng. Samsung cảnh báo tình trạng “khó khăn” trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, trong khi Apple phải giảm sản lượng MacBook và iPad.
“Trong một số lĩnh vực công nghệ, nhu cầu đang vượt xa so với khả năng cung cấp. Chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mở rộng sản xuất. Điều này có thể mất từ 3 đến 4 năm, cũng như tiêu tốn hàng tỷ USD”, ông Peter Hanbury, chuyên gia về chuỗi cung ứng công nghệ dự đoán.
Một số chuyên gia không lạc quan như vậy. Theo họ, việc đặt hàng nhiều quá mức cần thiết, những nỗ lực tích trữ và mong muốn gây áp lực lên các đối thủ của các công ty công nghệ có thể gây nên “bong bóng nhu cầu”.
Dù sao, tác hại của tình trạng thiếu chip toàn cầu là không thể chối cãi.
“Sự thiếu hụt có thể gây ra thiệt hại lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay công ty khởi nghiệp”, ông Wallace Gou, Chủ tịch kiêm CEO của Silicon Motion, một trong những nhà sản xuất chip điều khiển hàng đầu thế giới, chia sẻ với Nikkei Asia.
“Nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời khỏi thị trường nếu tình trạng này không được khắc phục”, ông kết luận.
Còn đối với Dung - nhà sáng lập công ty phần cứng, thời gian đã sắp hết.
"Chúng tôi không có đủ nguồn lực và sức thu mua như các doanh nghiệp lớn, những người có thể tạo ra những chiến dịch thu mua lớn mà gom hàng về kho nhà họ", anh nói. "Giờ chúng tôi chỉ có thể làm việc xuyên đêm để thay đổi thiết kế, tìm linh kiện thay thế sẵn có hơn".