Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet Oncology chỉ ra rằng, sử dụng đồ uống có cồn là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến 7 loại ung thư nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả nam lẫn nữ.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và ung thư ở Mỹ, Canada, Pháp và Nigeria, trong đó khẳng định mức tiêu thụ đồ uống có cồn đang gia tăng ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và nhiều nước châu Phi cận Sahara.
Nhóm nghiên cứu phát hiện trong năm 2020, trên toàn cầu có 6,3 triệu người chết do ung thư thực quản, cổ họng, thanh quản, ruột kết, trực tràng, gan và vú. Trong khi đó, sử dụng rượu là một yếu tố góp phần dẫn tới 741.300 ca ung thư mới trên toàn thế giới, nam giới chiếm 568.700 trường hợp (tương đương 77%). Các bệnh ung thư phổ biến nhất do uống rượu gây ra là ung thư thực quản (189.700 ca), ung thư gan (154.700 ca) và ung thư vú (98.300 ca).
Mặc dù không nêu cụ thể các mức tiêu thụ đồ uống có cồn là như thế nào, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết tiêu thụ 10 gram cồn mỗi ngày dẫn đến 41.300 trường hợp ung thư, tiêu thụ ở mức trung bình dẫn đến 103.100 trường hợp và uống nhiều rượu dẫn đến 346.400 trường hợp. Họ cũng nói thêm rằng do một số hạn chế trong việc thu thập số liệu, số ca ung thư liên quan đến sử dụng rượu có thể còn cao hơn.
Cùng với số liệu thống kê đáng sợ, các nhà nghiên cứu đề xuất giảm sử dụng rượu thực sự là một chiến lược ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, chuyên gia Harriet Rumgay cho biết nhiều người không nhận thức được mối liên hệ nhân - quả giữa uống rượu và ung thư. “Chưa đến 1/3 người Mỹ thừa nhận rượu là nguyên nhân gây ung thư” - bà nêu ví dụ.
Các chuyên gia kết luận rằng, nhà chức trách “cần có các chính sách và biện pháp can thiệp hiệu quả để nâng cao nhận thức về nguy cơ ung thư liên quan đến việc sử dụng rượu và giảm mức tiêu thụ rượu nói chung để ngăn ngừa gánh nặng của các bệnh ung thư”.