Trào lưu 'chữa bệnh' cúm bằng hành tây trên TikTok bị phản đối
21:28 25/12/2022
Nhiều clip trên mạng chia sẻ nước hành tây, được làm bằng cách đun sôi hoặc ngâm hành tây trong nước, có thể chữa cảm lạnh và cúm. Nhưng điều này là thiếu bằng chứng khoa học.
Theo South China Morning Post (SCMP), các nhà phân tích cho rằng phương pháp chữa bệnh cúm bằng hành tây tự làm tại nhà là thông tin sai lệch gần đây về y tế và đang được lan truyền trên TikTok.
Cách chữa bệnh bằng nước hành tây
“Bài thuốc” này được làm bằng cách ngâm hành tây sống xắt nhỏ trong nước để tạo ra hỗn hợp cay nồng. Các clip tâng bốc cách chữa bệnh thần kỳ thu hút hàng chục triệu lượt xem trên mạng xã hội, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho phương pháp này.
Một số người làm nước hành tây bằng cách đun sôi hành trong nước, nhưng cách phổ biến nhất là chỉ ngâm trong nước.
Video thu hút được sự chú ý khi Mỹ và nhiều quốc gia khác phải đối mặt với “bộ ba bệnh” gồm cúm, Covid-19 và virus hợp bào hô hấp (RSV), điều này gây sức ép lên các dịch vụ y tế.
Theo SCMP, hành tây với lượng hợp lý không có hại cho sức khỏe, ngoài trừ hơi thở bị hôi khi ăn. Nhưng chuyên gia y tế cảnh báo clip như vậy thúc đẩy niềm tin mù quáng vào các biện pháp chữa bệnh đơn giản tại nhà và có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Katrine Wallace, nhà dịch tễ học, trợ lý giáo sư tại Đại học Illinois Chicago, cho biết: “Hành tây sẽ không gây hại, nhưng nếu ai đó bị ốm, họ nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế thực sự. Tôi sợ rằng mọi người sẽ chỉ uống hành tây mà không đi khám và có thể lây lan Covid-19 hoặc cúm trong cộng đồng”.
Ngụy khoa học (tức giả khoa học) nhận được sự tham gia của nhiều người với các bình luận khen ngợi về hiệu quả của nó. Bà Wallace cho biết điều đó đã khiến việc điều trị bằng hành tây có được lòng tin của mọi người.
Xu hướng chữa bệnh này cho thấy TikTok tràn ngập người có sức ảnh hưởng nhưng không đủ chuyên môn và rao bán thông tin sai lệch từ tin liên quan vaccine, phá thai cho đến phương pháp chữa bệnh. Những nội dung này thường để tăng mức độ tương tác và lượt xem cũng như có thể tác động nghiêm trọng đến các quyết định y tế.
Theo một trong những clip TikTok phổ biến nhất, thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem, một phụ nữ đã nhiệt tình quảng cáo nước hành tây. Thông tin cá nhân của cô không đề cập đến trình độ và chỉ mô tả bản thân là “người con của mẹ thiên nhiên”.
Để có hiệu quả chữa bệnh cao, cô ấy đã kêu gọi người xem lên men hỗn hợp trong nhiều giờ để có hiệu nghiệm hơn.
Các chuyên gia và đại diện phát ngôn TikTok vào cuộc
Abbie Richards, nhà nghiên cứu thông tin sai lệch, cho biết: “Chúng ta yêu thích phương pháp chữa bệnh thần kỳ. Và vì một số lý do, chúng ta dường như nghĩ phương pháp điều trị càng đau đớn thì càng có tác dụng kỳ diệu”.
“Các giải pháp đơn giản cho vấn đề phức tạp thường phổ biến nhờ thuật toán hướng đến sự tương tác như trên TikTok, đặc biệt khi chúng rẻ và dễ tiếp cận ở khu vực không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe uy tín”, bà Richards nói.
Người phát ngôn của TikTok cho biết nền tảng này sẽ xóa nội dung được coi là thông tin sai lệch về y tế và có khả năng gây hại lớn. Theo TikTok, các clip về nước hành tây không vượt qua ngưỡng “tác hại đáng kể” và do đó không bị ảnh hưởng.
Nhiều chuyên gia cho rằng vụ việc này nhấn mạnh thách thức mà các nền tảng truyền thông xã hội phải đối mặt. Đó là tìm cách loại bỏ thông tin sai lệch nhưng không khiến người dùng nghĩ rằng họ bị chà đạp lên quyền tự do ngôn luận.
Valerie Pavilonis, nhà phân tích của cơ quan giám sát thông tin sai lệch NewsGuard, cho biết: “TikTok có nên gỡ bỏ các video về biện pháp vô thưởng vô phạt này hay không. Phương thuốc nước hành tây để giải quyết các vấn đề về xoang không trực tiếp làm tổn thương bạn nhưng nó có thể khiến bạn lầm tưởng rằng mình đang điều trị bệnh”.
Mức độ phổ biến của các clip phản ánh điều mà bà Richards gọi là “lỗi hệ thống” trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Ở quốc gia có dịch vụ chăm sóc y tế đắt đỏ như Mỹ, khoảng 30 triệu người dân, tương đương 9% dân số, không có bảo hiểm y tế, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Commonwealth Fund, hàng triệu người Mỹ khác không được bảo hiểm đầy đủ và phạm vi bảo hiểm không cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá phải chăng.