Tôi đã không đồng ý với cô giáo người Nhật của tôi, rằng thầy cô cần dành nhiều quan tâm hơn cho những em học kém.
"Những em khá giỏi thì không cần dạy nhiều chúng vẫn có thể tự học. Tôi cho rằng phải dành nhiều thời gian hơn để quan tâm tới những em học kém", cô giáo tôi nói, "những em đó thường gặp khó khăn hơn khi vào đời".
Lúc đó, chúng tôi đang bàn luận sôi nổi về triết lý giáo dục tại nhà cô. Cô là giảng viên giúp đỡ tôi rất nhiều khi học trường Y khoa nha khoa tại Tokyo 10 năm trước.
Tôi đã không hoàn toàn đồng ý với cô vì từ nhỏ đến giờ, tôi toàn học ở trường chuyên lớp chọn. Những môi trường tôi học, các học sinh giỏi luôn được chú ý, khen ngợi, nhắc tên. Các thành phần ưu tú luôn được bồi dưỡng nhiều hơn, và hay giành được nhiều tình cảm của số đông hơn. Các bạn học kém hơn, thường lặng lẽ, ít được bạn đồng môn và thầy cô quan tâm nhiều.
Ngay cả trong các chương trình văn nghệ, hoạt động thể thao, chỉ những người hát hay, chơi giỏi, có tiết mục xuất sắc mới được tuyển chọn để "trình làng" trước toàn trường, toàn thành phố.
Sau hơn 12 năm học tại Việt Nam, đối với tôi, tinh thần giáo dục ưu tiên các cá thể tinh hoa đã trở thành hiển nhiên. Và việc dạy thêm, quan tâm hơn cho những em học kém chẳng khác nào việc tình nguyện mà chỉ một số thầy cô mới làm.
Mãi đến vài năm sau, khi học xong đại học Y khoa ở Nhật, đi làm trong bệnh viện, tôi mới thấm thía ý nghĩa trong triết lý cô giáo người Nhật chia sẻ.
Thường xuyên chữa trị cho một số bệnh nhân cứ phải tái nhập viện vì nghèo khổ hoặc kém hiểu biết, tôi mới thấy việc giúp đỡ con người thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo khổ - kém hiểu biết - bệnh tật là thử thách lớn nhất. Bác sĩ không chỉ cố gắng chữa căn bệnh, mà phải chữa được người bệnh, tức giúp họ "thông thái hơn" và trở thành cộng sự trong quá trình điều trị bệnh tật.
Nhưng hỗ trợ như thế nào, khi hiểu biết về y tế của một số người còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung và họ còn bao việc phải làm để bươn chải với cuộc sống. Khi triển khai những hoạt động hỗ trợ toàn diện về tinh thần và thể chất cho bệnh nhân, tôi nhận ra rằng việc đầu tư phát triển những cá thể tinh hoa thôi không đủ giảm nhẹ những bất an trong y tế lẫn xã hội.
Ngược lại, qua những việc như phân công dược sĩ điện thoại hỏi thăm bệnh nhân, xếp lịch cho chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn về ăn uống hoặc nhờ nhân viên xã hội tìm cách miễn giảm chi phí y tế cho bệnh nhân, tôi nhận thấy rằng biết cách làm việc nhóm cùng những người bình thường sẽ giúp cải thiện chất lượng sống cho rất nhiều người. Biết cách giúp đỡ những bệnh nhân kém ưu tú cũng vậy, nó giúp chúng ta cải thiện mặt bằng y tế cộng đồng.
Khi tất cả mọi người trong một tổ chức, hay trong một xã hội cùng nhận ra và thực hiện tốt mục tiêu giúp đỡ những người kém may mắn hơn, tập thể đó, cộng đồng đó sẽ mau chóng đi lên.
Hướng dẫn cho những người bản địa thiếu hiểu biết về y tế và cả những người Việt không hiểu tiếng Nhật tại xứ người thường rất mất thời gian. Tuy nhiên, tôi luôn nhớ về triết lý giáo dục qua câu chuyện 10 năm trước để giúp mình thêm nhẫn nại. Thay vì chỉ tập trung đầu tư, phát triển những mũi nhọn, việc hỗ trợ "nâng đáy" hay nâng mặt bằng chung có thể cải thiện chênh lệch kinh tế và làm giảm bất ổn xã hội.
Câu nói cửa miệng "lương y như từ mẫu", "cô giáo như mẹ hiền" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với góc nhìn này, khi tôi nhớ về người mẹ luôn cố gắng chăm nom cho những đứa con thiệt thòi trong gia đình. Tôi nhận ra rằng tinh thần giáo dục tinh hoa có thể rất quan trọng để tạo nên động lực cạnh tranh trong mỗi cá nhân, nhưng về lâu về dài, sự ưu việt của một nhóm người chỉ có ý nghĩa khi đi cùng các giá trị nhân văn của toàn xã hội.
Làm việc với nhiều đồng nghiệp, bệnh nhân, nhiều người ở ngành nghề khác nhau, các tầng lớp xã hội khác nhau ở Nhật Bản và Việt Nam, tôi nhận ra rằng "giới tinh hoa" không phải cụm từ nói về tầng lớp lắm tiền nhiều của, lắm chức nhiều danh.
Tinh thần tinh hoa của một dân tộc, cộng đồng thật sự nằm ở tinh thần cống hiến, tận tụy vì con người - đặc biệt với những người kém ưu tú. Nhật Bản đã phát triển nhờ chú trọng đến tinh thần ấy cả trong giáo dục, kinh tế và xã hội.