Thứ trưởng Bộ Y tế: Cố gắng 2-3 tuần khống chế dịch Covid-19 ở TP.HCM
09:11 17/06/2021
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết trong thời gian giãn cách xã hội, nếu thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, tình hình ở TP.HCM có thể được kiểm soát.
Trở về từ tâm dịch Covid-19 Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tiếp nhận vai trò Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 (lần 2) tại TP.HCM từ ngày 13/6.
Ông đang cùng thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt triển khai các giải pháp phối hợp cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM để kiểm soát đợt dịch đang bùng phát.
Chiều 16/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã chia sẻ với báo chí về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Dịch Covid-19 tại TP.HCM khác biệt nhiều so với Bắc Giang
- Vừa hoàn thành đợt công tác dài tại Bắc Giang thì ngay lập tức được điều động vào tâm dịch Covid-19 ở TP.HCM, tâm trạng của ông thế nào khi trở lại thành phố?
- Bộ phận thường trực của Bộ Y tế sau khi từ Bắc Giang trở về Bộ thì nhận được quyết định điều động lực lượng chi viện TP.HCM. Trong chuyến trở lại TP.HCM lần này, chúng tôi vừa mừng vừa lo, nhưng phần lo nhiều hơn.
Thời gian qua, thành phố đã thực hiện tích cực các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo cuộc sống bình an cho người dân, nhưng tình hình dịch tại thành phố còn đang rất phức tạp. Điều này khiến chúng tôi khá lo lắng. Còn mừng vì lần trở về này có dịp gặp lại các đồng nghiệp, gia đình.
Tổ thường trực tại TP.HCM đã trao đổi thẳng thắn các vấn đề phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở thành phố. Mục tiêu là cố gắng trong 2-3 tuần tới có thể khống chế được dịch Covid-19 trên địa bàn.
- Vậy ông nhận định thế nào về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và Bắc Giang?
- Ở Bắc Giang, điểm khác biệt là những ca F0 ban đầu được phát hiện từ nhà máy, thời điểm phát hiện tương đối lâu. Còn tại TP.HCM, dịch được phát hiện từ cộng đồng. Một số ca xâm nhập bên ngoài vào cơ sở y tế, sau đó xâm nhập cơ sở sản xuất. Hai đặc điểm lây nhiễm này khác nhau.
Chính vì vậy, giải pháp cho Bắc Giang và Bắc Ninh là chú tâm khoanh vùng tại nơi công nhân sản xuất, khu nhà trọ và nhà máy sản xuất để sàng lọc tuyệt đối. Còn TP.HCM, công tác truy vết ở một số điểm dịch rất tốt, xác định một số trường hợp có thể là F0 chỉ điểm nên có thể khoanh vùng nhanh, xử lý được F1, F2 và F3 đúng quy định.
Bên cạnh đó, dịch tại TP.HCM còn được phát hiện trong cộng đồng xung quanh các chuỗi lây nhiễm. Do đó, việc rà soát ở các khu vực xung quanh chuỗi lây nhiễm, tầm soát diện rộng là biện pháp mới của thành phố. Còn ở Bắc Giang chỉ là xét nghiệm giám sát cộng đồng.
Tôi cho rằng TP.HCM cần khẩn trương, quyết liệt hơn ở khu vực xung quanh chuỗi lây nhiễm.
- Ông đánh giá thế nào về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM trong đợt bùng phát hiện tại?
- Công tác phòng, chống dịch ở TP.HCM có nhiều điểm mới, trong đó, thành phố đã kết hợp nhiều biện pháp. Đầu tiên là xét nghiệm rRT-PCR để xác định tải lượng virus cao, thấp của từng người và từ đó đánh giá mức độ lây nhiễm. Thứ 2 là kết hợp thêm yếu tố điều tra dịch tễ, xác định thời điểm tiếp xúc thông qua công nghệ truy vết từ người khai báo.
Thứ 3 là xét nghiệm nhanh kháng thể để biết người nào có thể nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Từ đó truy tìm được người mang mầm bệnh qua xét nghiệm rRT-PCR khẳng định.
Từ người có nồng độ virus cao, dễ dàng suy luận được họ mới lây nhiễm từ trường hợp mang mầm bệnh. Tôi đánh giá TP.HCM thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến hiện tại.
Kịch bản khi thành phố có trên 1.000 ca nhiễm
- Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4 từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM vượt mốc 1.000 ca bệnh. Đây có phải con số báo động?
- Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 đến 30.000 ca mắc. Tùy tình hình thực tế tại địa phương, các phương án báo động mức độ dịch như cách ly xã hội, tăng cường năng lực cách ly, tiếp nhận bệnh nhân dương tính, xây dựng đơn nguyên hồi sức tích cực... sẽ được cân nhắc.
Tại TP.HCM, khi số lượng ca nhiễm vượt mốc 1.000, thành phố cũng đã tính toán tình huống có trên 5.000 ca bệnh. Nếu số lượng ca mắc tiếp tục tăng như hiện nay đến kịch bản 5.000 ca, sẽ trưng dụng Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) làm bệnh viện dã chiến.
Tôi cho rằng các phương án về cách ly, điều trị hiện nay đã được tính toán, chuẩn bị sẵn sàng và không có chuyển biến đột ngột hay thay đổi phương án. Nếu TP.HCM có trên 1.000 ca bệnh nhưng vẫn trong tầm kiểm soát thì không cần cần thiết giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã làm kịp thời, đến nay hầu hết chuỗi dịch gần như được kiểm soát.
- Số ca mắc tại TP.HCM ngày càng nhiều, số ca bệnh nặng gia tăng. Vậy thành phố có thể đối mặt khó khăn gì trong thời gian tới?
- Dĩ nhiên khi số lượng ca mắc tăng cao kéo theo số lượng bệnh nhân nặng cũng tăng. Đến nay, theo báo cáo của ngành y tế TP.HCM, một số bệnh nhân nặng cần thở máy, thở máy không xâm nhập, thở oxy qua mặt nạ thậm chí ECMO... Chúng tôi thống nhất với nhận định của thành phố là số ca mắc sẽ gia tăng.
Do đó, TP.HCM cần chuẩn bị điều kiện cơ sở y tế để tiếp nhận, cách ly, điều trị F0 dương tính và sẵn sàng cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Thành phố có thể trưng dụng Nhà thi đấu Phú thọ để xây dựng bệnh viện dã chiến nếu số ca mắc tăng cao.
Tôi cho rằng đơn vị hồi sức cấp cứu mà TP.HCM đã xây dựng ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 huyện Củ Chi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Chợ Rẫy... rất tốt. Do đó, năng lực của TP.HCM có thể đáp ứng được công tác điều trị bệnh nhân nặng.
Còn về vấn đề bệnh nhân Covid-19 tử vong phụ thuộc nhiều yếu tố. Chúng ta thấy khoảng 60 bệnh nhân tử vong tại Việt Nam đến thời điểm này, đa số là lớn tuổi, có bệnh lý nền, việc tử vong là bất khả kháng. Do đó, chúng ta cần cố gắng bảo vệ những người lớn tuổi, có bệnh nền tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, giảm tỷ lệ tử vong.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng khống chế dịch của TP.HCM trong 2 tuần tới?
- Hai tuần này vừa là thách thức và cơ hội nhưng có 2 chiều. Ở chiều thuận, nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, không để virus lây nhiễm và lây lan trong cộng đồng, đây sẽ là cơ hội tiên quyết để hoàn tất khống chế dịch.
Còn ở chiều ngược lại, nếu chúng ta không tận dụng được 2 tuần này, không hạn chế tập trung đông người, việc di chuyển không kiểm soát, đó không còn cơ hội mà nguy cơ càng cao hơn. Nếu không thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của thành phố và Trung ương, cơ hội đó sẽ qua và chúng ta sẽ vất vả hơn nhiều để kiểm soát dịch.