Thủ đoạn rất tinh vi khi lập 'động lắc' ma túy trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
15:57 26/04/2021
Theo ĐBQH, việc tội phạm lập "động lắc" trong thời gian dài ở bệnh viện tâm thần cho thấy thủ đoạn rất tinh vi, bộc lộ nhiều sơ hở trong việc quản lý.
Liên quan đến vụ lập ‘động lắc’ trong phòng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội) vừa được Công an TP. Hà Nội triệt phá, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng nay, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhận định vụ việc này là "nghiêm trọng".
Quản lý bệnh viện còn nhiều sơ hở
Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để các đối tượng lọt vào thực hiện hành vi kinh doanh, sử dụng và làm nơi chứa ma túy là "hết sức nghiêm trọng".
Hành vi tội phạm ma túy có thể xem là tội phạm nghiêm trọng và ở quy mô nào đó là đặc biệt nghiêm trọng. Vụ việc này còn nghiêm trọng khi đối tượng sử dụng nơi thực hiện hành vi (mà ít nghi ngờ nhất - PV) công khai, có người ra, người vào thường xuyên và đây còn là nơi điều trị bệnh nhân.
"Đây thủ đoạn rất táo bạo nhưng cũng bộc lộ việc quản lý có rất nhiều sơ hở. Tôi hy vọng đây chỉ là trường hợp cá biệt, không phải bệnh viện nào cũng sơ hở như vậy. Trong trường hợp Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 quản lý sơ hở lớn, tội phạm trong thời gian dài như thế thì vi phạm đó cực kỳ nghiêm trọng", luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu nhận định, ban đầu nếu có việc lợi dụng thăm khám để thực hiện hành vi mua bán ma túy, quản lý tốt thì chỉ trong thời gian ngắn là phát hiện ra nhưng để kéo dài một thời gian cho thấy công tác quản lý của bệnh viện có sơ hở rất lớn.
"Ở đây có trách nhiệm của những người quản lý bệnh viện khi để quy trình lỏng lẻo như vậy", Đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh.
Đại biểu tin rằng các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra, bệnh viện, cơ quan chủ quản sẽ hành động một cách kiên quyết.
"Vấn đề là phải tìm cho ra cho đến cùng đó những ai có liên quan, vì sao hành vi tội phạm lại táo bạo, nghiêm trọng và kéo dài như thế. Phải truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn", luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, muốn xem xét trách nhiệm vụ việc thì phải xem xét trách nhiệm cá nhân có liên quan. Từ trách nhiệm của cá nhân xem xét luôn cả trách nhiệm của tổ chức và những người lãnh đạo.
Nhưng theo ông, phải sau khi điều tra xem xét trách nhiệm của từng người, tội phạm khai báo như thế nào, nắm hết tất cả những tình tiết liên quan thì mới đánh giá được trách nhiệm.
"Vụ việc này các ĐBQH cũng hết sức quan tâm nhưng tôi nghĩ trước hết Bộ Y tế, Bộ Công an, Viện kiểm sát sẽ chỉ đạo điều tra, xem xét", ông Nghĩa nói.
Đề nghị truy cứu thêm trách nhiệm người liên đới để làm gương
Đại biểu Phạm Văn Hoà, (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc phát hiện một phòng được trang bị đầy đủ cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy trong bệnh viện... là chưa có tiền lệ.
“Bệnh viện không thể nói là không biết. Trong khuôn viên bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện không biết, không hay tôi cho là thiếu trách nhiệm. Đề nghị cơ quan công an truy cứu thêm trách nhiệm những người liên đới để làm gương”, ông Hòa bức xúc.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị, bên cạnh việc xử lý hình sự các đối tượng là nhân viên của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có liên quan tới đường dây mua bán, sử dụng ma túy, cần phải tiếp tục truy cứu những người có trách nhiệm liên quan, và trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện.
Theo ông Hòa, vụ việc này là bài học cảnh tỉnh cho các cơ sở dịch vụ thuộc quản lý của nhà nước. Người đứng đầu các cơ sở cần tăng cường kiểm tra, bảo đảm an ninh, trật tự, rà soát và chấn chỉnh ngay các hoạt động tại cơ sở mình phụ trách.
Trước đó, ngày 20/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội khám xét khẩn cấp phòng điều trị của bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý tại bệnh viện.
Đến ngày 22/3, bệnh viện nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo kết quả khám xét. Trong đó, thu giữ trên trần phòng điều trị của Quý gần 2,8 kg ma túy thế hệ mới MDMA; hơn 1,6kg Ketamin; 569g Methamphetamin.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ trong phòng 3 bình thủy tinh có gắn ống hút, 2 máy hàn nhiệt dùng để dán miệng túi nylon, 100 vỏ túi nilon các loại nhãn hiệu cà phê, chè... chưa sử dụng, 1 bàn nhạc DJ, 2 amply, 6 chiếc loa, 2 đèn chiếu laser, 3 đèn nháy, 2 laptop.
Bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý, sinh năm 1983, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội được bệnh viện tiếp nhận ngày 8/11/2018 để điều trị theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của VKSND huyện Thanh Trì.
Ngày 7/1/2020, Khoa Điều trị báo cáo Nguyễn Xuân Quý trốn viện, bệnh viện đã thông báo tới các cơ quan liên quan. Sau đó, bệnh nhân được Công an quận Hai Bà Trưng bàn giao lại cho Khoa điều trị. Trước đó, cơ quan này đã bắt giữ Nguyễn Xuân Quý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, không nắm được vụ bệnh nhân lập “động lắc” trong phòng điều trị.