Sau buổi tiệc liên hoan, người đàn ông 52 tuổi xuất hiện tình trạng nôn nhiều, sùi bọt mép, ý thức lơ mơ, thở nhanh... phải nhập viện cấp cứu, nguyên nhân là do uống rượu chứa cồn methanol.
Khoa Hồi sức nội (Bệnh viện Quân Y 103) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T.S, 52 tuổi, vào viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, sùi bọt mép, hơi thở có mùi cồn, HA 210/100 mmHg, xét nghiệm có nhiễm toan chuyển hoá nặng.
Trước đó bệnh nhân đi liên hoan có uống rượu không rõ loại. Sáng hôm sau, người bệnh có biểu hiện nhìn mờ, nhìn đôi, mệt mỏi, đau đầu, đến chiều ngày cũng ngày xuất hiện nôn nhiều ý thức lơ mơ, thở nhanh thì được gia đình đưa vào BV Quân y 103 cấp cứu.
Sau khi hội chẩn cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol đường uống mức độ nặng giờ thứ 36 (kết quả xét nghiệm Methanol trong máu là 61,6 mg/dL).
Ngay lập tức người bệnh được tiến hành lọc máu liên tục sớm, kiểm soát cân bằng kiềm toan, kiểm soát hô hấp, tuần hoàn, hỗ trợ chức năng các tạng chống suy tạng, chăm sóc dinh dưỡng.
Sau 18 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân không còn nồng độ methanol trong máu và sau 5 ngày điều trị đã được xuất viện.
TS. BS Phạm Thái Dũng – Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội (Bệnh viện Quân y 103) cho biết, bệnh nhân may mắn là một trong những trường hợp được chẩn đoán sớm, điều trị tích cực, đúng phác đồ nên tình trạng lâm sàng cải thiện nhanh.
Hằng năm khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc methanol, có những trường hợp ngộ độc nặng, đến viện cấp cứu đã không thể cứu chữa.
"Kỳ nghỉ lễ mùng 2/9 sắp tới, các cuộc liên hoan, tụ họp có uống rượu bia là điều không tránh khỏi, tuy nhiên chúng ta chỉ nên uống có chừng mực, và lựa chọn các loại rượu có nguồn gốc rõ ràng để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc methanol", BS Dũng khuyến cáo.
Trong trường hợp sau khi uống rượu mà xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, nhìn mờ, nhìn đôi, đặc biệt người uống được rượu mà vẫn say với số lượng như mọi khi cần phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Việc này sẽ tránh được nguy cơ diễn biến nặng gây các biến chứng như hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, tổn thương não, mờ mắt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, viêm dạ dày, rối loạn nước, điện giải, trào ngược phổi, viêm phổi, tiêu cơ vân, suy thận… suy chức năng đa tạng và thậm chí tử vong.
Theo TS. BS Phạm Thái Dũng, methanol (CH3OH) là chất hóa học được dùng trong công nghiệp hoá chất, có trong các dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh… ngộ độc methanol chỉ xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol.
Bản thân methanol ít độc nhưng những chất chuyển hoá của nó lại có độc tính cao, khi vào trong cơ thể con người nó sẽ chuyển hoá thành Formol (Formaldehyd) và axit formic, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ đặc biệt những tổn thương ở mắt và não, bên cạnh đó là tình trạng ảnh hưởng đến chức phận sống nặng như hạ huyết áp dữ dội, và rối loạn nôi môi như nhiễm toan chuyển hoá nặng…
Tuy nhiên các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn do sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như: mờ mắt, lơ mơ, khó thở, co giật và dần hôn mê.
Chính vì vậy, nếu ko được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong của các ca bệnh này là rất cao. Trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng có thể chịu những di chứng nặng nề.