Trong bức ảnh chụp đăng cuốn kỷ yếu năm cuối cấp, Renae Smith cười rất tươi nhưng cho biết đó lại là "ngày thật tồi tệ".
"Tôi rất giỏi đeo mặt nạ", cô gái vừa tốt nghiệp trung học tại Long Island năm 2021, chia sẻ. Khi tốt nghiệp, Smith đã uống tổng cộng 7 loại thuốc, gồm thuốc trị co giật, đau nửa đầu, giúp ổn định tâm trạng. Cô cũng dùng thêm thuốc làm giảm tác dụng phụ của các loại thuốc khác, vốn được sử dụng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt. Một số ngày, Smith cải thiện về tinh thần, song lại trở về trạng thái mệt mỏi trong những ngày khác.
Smith là ví dụ điển hình cho tình trạng y khoa phổ biến của thế hệ trẻ nước Mỹ: những người sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc tâm thần liều cao. Bác sĩ tâm thần và các bác sĩ lâm sàng nhấn mạnh thuốc cần được kê đơn đúng cách mới có thể giúp ổn định tâm lý và cứu sống nhiều thanh thiếu niên. Tuy nhiên, chúng đang bị lạm dụng, trở thành cách điều trị thay thế cho những liệu pháp ít phổ biến hơn.
Một buổi sáng mùa thu năm 2017, Renae Smith khi ấy là học sinh trung học năm nhất, không còn động lực rời khỏi giường, choáng váng trước viễn cảnh phải đến trường. Trong những ngày tiếp theo, cô ngày càng trở nên lo lắng và tuyệt vọng.
"Đáng lẽ tôi phải hạnh phúc. Nhưng tôi đã khóc lóc, gào thét và cầu xin vũ trụ hoặc thần thánh nào đó xóa bỏ nỗi đau như của một nghìn người đang mắc kẹt trong đầu mình", cô chia sẻ.
Mùa xuân năm sau, Smith được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng trầm cảm và rối loạn lo âu, kê đơn thuốc Prozac có tác dụng giảm cảm giác đau khổ. Thuốc này không có tác dụng lâu dài, vì vậy cô phải uống thêm thuốc Effexor - một loại thuốc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chưa phê duyệt. Đây là khởi đầu cho những ngày triền miên sử dụng thuốc. Cuối năm đó, Smith dùng thêm Abilify, thuốc chống loạn thần, đôi khi được kê cho người bị tâm thần phân liệt dù cô không mắc chứng bệnh này.
Đối với những người như Smith, các chẩn đoán được đưa ra gần như tình cờ. Năm học lớp 4, cô gặp khó khăn ở trường học và được gia đình đưa đến bác sĩ tâm thần. Vị bác sĩ kê cho cô đơn thuốc Focalin điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nhìn lại những ngày tháng trung học, cha Smith tự hỏi liệu cô có thực sự bị ADHD hay không.
Lớp 8, Smith có dấu hiệu trầm cảm. Cô khóc nhiều và phải gặp bác sĩ suốt thời điểm đó. Cô cũng thường xuyên có cảm giác lo sợ rằng mình sẽ không đỗ vào trường đại học tốt. Smith và gia đình tìm kiếm nhiều phương pháp điều trị, cuối cùng sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau.
Theo nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Tâm thần học Frontiers, các loại thuốc này thường được sử dụng trong thời gian ngắn, đôi khi kê đơn trong nhiều năm dù chúng có tác dụng phụ nghiêm trọng như gián đoạn loạn thần, dễ dẫn đến hành vi tự sát, tăng cân, ảnh hưởng sinh sản.
Hơn nữa, nhiều loại thuốc tâm thần kê cho thanh thiếu niên không được chấp thuận ở người dưới 18 tuổi, đang được thử nghiệm, chưa chắc chắn về độ an toàn.
Nghiên cứu công bố năm 2020 trên Tạp chí Nhi khoa cho thấy gần 41% người từ hai đến 24 tuổi được kê đơn điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý cũng phải dùng thêm thuốc trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn hành vi khác.
Giới chức y tế công cộng lo ngại việc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc hoặc liệu pháp có thể dẫn đến hệ lụy lâu dài. Chính phủ đã thực hiện cải cách luật pháp để hạn chế việc kê đơn tràn lan.
Tiến sĩ David Lohr, một bác sĩ tâm thần trẻ em tại Đại học Louisville, cho biết khi một loại thuốc không có tác dụng, cha mẹ và bác sĩ thường nhanh chóng bổ sung thêm thuốc mới, thay vì sử dụng các liệu pháp tự nhiên khác.
Tiến sĩ Robert Hilt, bác sĩ tâm thần tại Đại học Washington, cho biết các loại thuốc về tâm thần thường không hiệu quả triệt để. Nhiều nghiên cứu cho thấy một số nhóm thuốc chính chỉ có tác dụng khiêm tốn, bao gồm thuốc chống trầm cảm.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn nhấn mạnh việc sử dụng đúng loại thuốc phù hợp rất cần thiết, nhằm giúp tâm lý của các thanh thiếu niên bị âu lo, trầm cảm, có ý định tự tử trở nên ổn định hơn.