Thời tiết nắng nóng rất dễ bị sốc nhiệt nên bạn hãy ghi nhớ những cách xử lý dưới đây.
Tại sao chúng ta bị sốc nhiệt?
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, sốc nhiệt (hay say nắng, cảm nắng) là một loại bệnh nhiệt nghiêm trọng. Thông thường, trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, có thể tăng cao từ 39 đến 41 độ C.
Khi đó, bệnh nhân sẽ có biểu hiện chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Tình trạng này còn đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường, rối loạn mỡ máu có thể dẫn tới nguy cơ cao bị đột quỵ, thậm chí tử vong.
Cách xử trí sốc nhiệt
Khi thấy người có các biểu hiện trên, nên nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân bằng cách:
Chuyển ngay nạn nhân vào nơi râm mát để ngồi nghỉ, nới lỏng quần áo. Sau đó cần tìm nước mát, đổ lên đầu, vẩy nước lên người nạn nhân.
Chườm lạnh bằng khăn mát hoặc khăn đá ở những vị trí có mạch lớn như nách, cổ, bẹn.
Cho nạn nhân uống nước có pha muối.
Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được, nôn sốt cao liên tục kèm theo đau bụng, đau ngực, khó thở, cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất.
Cách phòng tránh sốc nhiệt
Để tránh sốc nhiệt, không nên ra ngoài trời trong khoảng từ 10 giờ - 15 giờ
Để tránh sốc nhiệt, không nên ra ngoài trời từ 10 giờ - 15 giờ.
Để tránh xảy ra sốc nhiệt, vào những ngày nắng nóng trên dưới 40 độ C, bạn không nên ở ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ- 15 giờ.
Nếu phải làm việc ngoài trời nắng, không nên làm việc quá 2 giờ liên tục mà cần nghỉ ngơi bù nước giữa giờ làm. Khi đi ra ngoài trời cần mang theo đủ nước để có thể bù nước kịp thời, tránh cơ thể mất nước.