Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người. Phụ nữ mang thai cũng phải trải qua những khó khăn trong thời gian này, với nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng cao. Giới chuyên gia y tế cho rằng nếu một phụ nữ mang thai có kết quả dương tính với SARS- CoV-2 cần phải bình tĩnh, chăm sóc bản thân nhiều hơn thay vì rơi vào trạng thái hoảng loạn, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 2/3 phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 không có triệu chứng và những người phát triển các triệu chứng chỉ giống như cúm. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong thời kỳ 3 tháng đầu hoặc thai nhi đã hơn 28 tuần, bạn nên cố gắng bảo vệ sức khỏe, tránh nhiễm bệnh.
Phải làm gì nếu mẹ bầu mắc Covid-19?
Phụ nữ mang thai phải giữ cơ thể linh hoạt và đủ nước để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Nên chọn chế độ ăn giàu protein, vitamin và vi chất dinh dưỡng thay vì đồ ăn vặt và đồ chiên rán. Trong thời kỳ mang thai, bất kỳ thay đổi chế độ ăn uống nào phải hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Các bằng chứng hiện tại cho thấy nếu bạn nhiễm virus SARS- CoV-2, nó không có khả năng gây ra các vấn đề với sự phát triển của thai nhi. Việc lây truyền virus từ phụ nữ sang con khi mang thai hoặc trong quá trình sinh con dường như không phổ biến. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ mang thai mắc Covid-19 cần phải sinh mổ. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng trong mọi trường hợp, phương thức sinh phải dựa trên các đánh giá của các bác sĩ chuyên môn. Các bà mẹ có triệu chứng mắc Covid-19 nên đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với em bé.
Chăm sóc trẻ sơ sinh thế nào nếu người mẹ mắc Covid-19
Việc chúng ta cảm thấy căng thẳng, lo lắng và sợ hãi trong thời gian xảy ra đại dịch là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, việc học cách bình tĩnh có thể giúp bạn đối phó với khó khăn.
Trong một số trường hợp, trẻ sinh ra từ người mẹ mắc Covid-19 có thể có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy virus chưa được tìm thấy trong sữa mẹ. Có nghĩa là nếu người mẹ có kết quả dương tính với Covid-19, có thể tiếp tục cho con bú và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết như sử dụng khẩu trang y tế và rửa tay trước khi chạm vào trẻ. Điều quan trọng cần nhớ là nếu con bạn dưới hai tuổi, bạn không nên đeo tấm che mặt hoặc khẩu trang cho trẻ. Trẻ sơ sinh hay cựa quậy, có thể khiến tấm che mặt bịt mũi hoặc khẩu trang làm tổn thương làn da mong manh của trẻ.
Cha mẹ có thể bị căng thẳng và mệt mỏi trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng hãy quan tâm đến giấc ngủ của trẻ. Đảm bảo em bé ngủ đủ, vì thiếu ngủ có thể dẫn đến các vấn đề phát triển của trẻ./.
Theo VOV