Phát hiện ra một điểm yếu quan trọng của vi rút SARS-CoV-2
11:01 15/05/2021
Tính đến 6h ngày 15-5, thế giới đã có 162.498.119 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 3.370.312 trường hợp tử vong. Tại Thụy Sĩ, các nhà khoa học cho biết đã phát hiện ra "gót chân A-sin" của vi rút SARS-CoV-2.
Châu Mỹ
Trong bối cảnh tốc độ tiêm phòng Covid-19 tại Mỹ và một số quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu xem xét lại kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em, cung cấp vắc xin cho cơ chế phân phối toàn cầu (COVAX) để chia sẻ cho các nước nghèo. WHO đồng thời cũng khuyến cáo các nước cần thận trọng khi dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19, xem xét dựa trên tình hình dịch tễ ở trong nước.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo một hướng dẫn liên bang mới, trong đó nêu rõ, những người đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và sau hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài, cũng như không cần thực hiện việc giữ khoảng cách vật lý.
Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Michael Ryan, nhấn mạnh việc dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang chỉ nên thực hiện dựa trên các yếu tố gồm mức độ lây lan dịch bệnh trong khu vực và quy mô tiêm chủng vắc xin.
Châu Á
Dựa trên tất cả chỉ số về dịch Covid-19 trong 2 tuần qua, giới phân tích cho rằng, làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Ấn Độ có thể đã đạt đỉnh hoặc sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo, phải mất rất nhiều thời gian nữa làn sóng này mới có thể kết thúc.
Nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, Ấn Độ đã bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga cho người dân. Theo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), việc tiêm vắc xin Sputnik V bắt đầu được triển khai tại thành phố Hyderabad.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng nước này Suga Yoshihide thông báo, chính phủ đã quyết định đưa thêm 3 tỉnh vào phạm vi áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19. Như vậy, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành. Lệnh tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 này sẽ có hiệu lực tới ngày 31-5.
Hàn Quốc cũng thông báo số ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 tại nước này tiếp tục vượt mốc 700 ca trong ngày thứ 2 liên tiếp và có xu hướng tăng thêm. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng vắc xin không ghi nhận nhiều tiến triển do khan hiếm nguồn cung. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã gia hạn thêm một tháng đối với khuyến cáo đặc biệt về việc ra nước ngoài, đến ngày 15-6 tới, và có khả năng sẽ tiếp tục gia hạn.
Tại Đông Nam Á, từ ngày 16-5 đến 13-6, Singapore sẽ thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Nhằm tăng cường lực lượng y tế chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ công dân Campuchia Prum Sokha quyết định lập nhóm chuyên trách có nhiệm vụ tuyển dụng 3.000 ứng viên bổ sung cho dịch vụ y tế công trong năm nay. Đáng chú ý, để cổ vũ và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế Campuchia thông báo trao thưởng 10 triệu riel (khoảng 2.500 USD) cho người dân thứ 2 triệu tham gia tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Châu Âu
Tình hình dịch bệnh ghi nhận tín hiệu tích cực, nhiều nước tại châu Âu nới lỏng các biện pháp phòng dịch và mở cửa đón du khách trở lại. Từ ngày 16-5, Chính phủ Italia bỏ yêu cầu cách ly đối với những hành khách đến từ Liên minh châu Âu (EU), Anh và Israel có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính. Bồ Đào Nha cũng cho phép du khách từ Anh nhập cảnh nước này từ ngày 17-5. Cho đến nay, EU vẫn cấm đi lại không cần thiết đối với các nước ở ngoài khối, do đó, quyết định trên của Italia và Bồ Đào Nha được coi là một ngoại lệ.
Slovakia đã dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, Thủ tướng Eduard Heger khẳng định, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, do đó, người dân cần tiếp tục cảnh giác. Ông nhấn mạnh, vắc xin vẫn là công cụ quan trọng để đưa thế giới vượt qua đại dịch Covid-19.
Tại Thụy Sĩ, các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ liên bang ETH Zurich đã phát hiện ra một điểm yếu quan trọng của vi rút SARS-CoV-2. Đó là sự nhân lên của vi rút trong các tế bào bị nhiễm bệnh có thể giảm đáng kể nếu quá trình sản xuất protein quan trọng của nó bị gián đoạn.
Khám phá này được các nhà khoa học mô tả là "gót chân A-sin" của vi rút SARS-CoV-2, có thể dẫn đến việc phát triển các loại thuốc kháng vi rút mà cũng có thể điều trị các loại vi rút corona liên quan.