Dù đã 94 tuổi nhưng hàng ngày, ông Trần Văn Hớn vẫn sưu tầm thuốc nam, phơi khô rồi tặng cho những phòng khám từ thiện khắp các tỉnh miền Tây.
Tờ mờ sáng, ông Hớn trở mình thức dậy, xỏ dép bước ra sân, vừa đi vừa lấy tay chống đầu gối đang đau nhức vì bệnh khớp. Ông vơ những cây đinh lăng thành một bó lớn ôm vào người rồi dùng dao cắt từng đoạn ngắn cho đến khi nắng sớm rải đều khắp khoảng sân nhỏ.
"Già rồi nên hai khớp gối thường đau nhức, nhưng đau lúc bước đi thôi, nếu chỉ ngồi một chỗ cắt thuốc thì tôi ngồi cả ngày cũng được", ông lão 94 tuổi nói. Bên hông căn nhà nhỏ ở khóm Tân Phú, phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên, hàng chục bao thuốc đã phơi khô, xếp ngay ngắn. Hơn 40 năm nay, căn nhà của ông là điểm tập trung các loại cây thuốc nam của những nhóm chuyên đi hái hay của người dân mang đến nhờ sơ chế trước khi tặng cho các phòng khám đông y từ thiện trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Văn Quả, 56 tuổi, bóp phanh chiếc xe đạp cũ trên đó treo lủng lẳng một túi trái nhàu tươi và một túi vỏ cam khô, dừng lại trước ngõ rồi gọi vọng vào nhà ông Hớn. Không có thời gian theo các nhóm đi đến những vùng xa kiếm cây thuốc, ông Quả chỉ có thể góp vài vị thuốc nam có sẵn trong vườn nhà mình.
"Nhà ai có cây thuốc gì họ đều mang đến nhờ tôi cắt, phơi. Bây giờ tôi không thể tự đi kiếm nhưng càng ngày lại có nhiều người biết và mang đến. Nhờ thế mà trong nhà lúc nào cũng có thuốc", ông Hớn giải thích rồi bước khập khiễng ra ngõ "nhận quà".
Ông Hớn trước đây vốn là một nông dân và cũng là một thợ mộc lành nghề trong làng. Gần 50 năm trước, người vợ của ông đột nhiên bị bệnh rồi qua đời. Sau khi vợ mất, trong một lần đạp xe ở thành phố Long Xuyên, ông thấy một phòng khám đông y chuyên bắt mạch, tặng thuốc miễn phí cho người nghèo. Vào hỏi thăm, ông Hớn biết được hầu hết những vị thuốc ở đây đều do người dân trong vùng cất công đi tìm rồi mang đến tặng.
Lúc đó ông Hớn nghĩ: "Nếu biết đến phòng khám này sớm hơn chắc vợ đã không mất sớm như vậy. Mình không phải là lương y, không thể bắt mạch khám bệnh nhưng có sức khỏe, chỉ cần bỏ chút thời gian đi tìm cây thuốc như vậy là giúp đỡ được người nghèo rồi". Kể từ hôm đó, ông Hớn bắt đầu hỏi các lương y ở phòng khám, nghe họ chỉ dẫn và tự đi tìm những cây thuốc nam phổ biến, dễ tìm ở các khu vườn trong làng. Tìm được loại nào, ông mang về nhà cắt nhỏ, phơi khô, gói ghém cẩn thận rồi mang đi tặng ngay.
Dù phải một mình nuôi bốn người con nhưng cứ khi dành dụm được một số tiền nhỏ, người đàn ông lại tập hợp khoảng chục người bạn của mình gùi gạo lên núi, dựng trại, tỏa tìm các cây thuốc quý. Lúc bấy giờ, trước nhà vẫn còn là khoảng sân đất, để giữ vệ sinh, ông Hớn phải dùng những tấm lưới cá lót bên dưới để phơi thuốc. Khi cha đi làm, những người con được giao nhiệm vụ ở nhà phơi thuốc, canh chừng trời mưa.
Ông Trần Văn Sơn, 62 tuổi, con trai cụ Hớn kể: "Cha dặn chúng tôi trông chừng thuốc kỹ lắm, thấy trời chuyển mưa là ba bốn anh em gom lưới chạy vào nhà, chờ tạnh hẳn lại mang ra phơi lại. Có nhiều hôm phải chạy ra chạy vào ba bốn lần như thế".
Lương y Dương Văn Năng ở phòng khám từ thiện Chín Năng, huyện An Biên, Kiên Giang chia sẻ: "Phòng khám của tôi lấy cây thuốc của bác Hớn đã được ba năm nay. Tuy không phải là một cơ sở cung cấp cây thuốc chuyên nghiệp nhưng thuốc của bác Hớn rất chất lượng, phơi khô ráo, sạch sẽ. Mỗi tháng chỗ của tôi thường lấy khoảng 2 tấn cây thuốc khô đủ loại".
Hiện nay, ba trong bốn người con của ông Hớn cũng thường tham gia vào các nhóm đi tìm cây thuốc quanh địa bàn Long Xuyên, tiếp nối công việc thiện nguyện của cha mình.
Ông Trần Tứ Hải, Chủ tịch Hội Đông y phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên cho biết: "Cụ Hớn là người lớn tuổi nhất và cũng là người có thâm niên lâu nhất ở địa phương làm công việc sưu tầm cây thuốc nam tặng phòng khám từ thiện. Trước đây cũng có nhiều người làm nhưng hiện tại chỉ còn mỗi cụ Hớn là còn gắn bó".
Chiều cuối tháng ba, khi trên sân có hơn chục vị thuốc đang phơi thì trời bắt đầu chuyển mưa. Ông Hớn gọi con trai và vài người hàng xóm sang phụ mình gom thuốc. Đôi chân ông cố bước nhanh, những nhát chổi dứt khoát, vội vàng khi mưa bắt đầu rơi xuống. Gom xong, ông quăng cây chổi một bên, ngồi bệt xuống thềm nhà thở dốc, lấy một ít rượu thuốc trong chai xoa bóp hai đầu gối.
"Tôi chỉ ước có sức khỏe. Mấy năm nay thấy đi lại khó khăn nhưng không có tôi thì chắc chắn các con tôi sẽ tiếp tôi làm", ông nói, đưa mắt sang người con trai đang ghi tên các loại thuốc bên ngoài chiếc bao tải, rồi cười.