Mỗi người tìm đến Nhà bình yên Cần Thơ đem theo một mảnh đời tan nát. Họ đều bị tổn thương thể xác lẫn tâm hồn và khát khao về cuộc sống bình yên tốt đẹp hơn.
Để góp phần thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng mô hình nhà tạm lánh (Nhà bình yên - NBY).
Tọa lạc tại số 9 đường A6, tổ 59, khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, NBY trực thuộc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL, trong ba năm qua đã tham vấn, cưu mang nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại, giúp họ vượt qua nỗi đau, biết được quyền của mình, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình; tự tin, mạnh mẽ xây dựng cuộc đời mới.
Kéo nạn nhân về từ tận cùng tuyệt vọng
“Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình, bất kể là người ít học hay gia đình trí thức, nông thôn hay thành thị” - bà Ngô Thị Tuyết Em, Phó Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL, nói với PV như thế khi vừa tham vấn xong cho mẹ của một thân chủ đang tạm trú tại NBY.
Theo bà Tuyết Em, thân chủ này là một cô gái 24 tuổi trong một gia đình trí thức ở trung tâm TP Cần Thơ. Cô gái bị bạo lực tinh thần bởi chính người cha của mình. Mặc dù là một người có học thức nhưng người cha lại có xu hướng gia trưởng, bắt mọi người phải theo ý của mình, không được cãi lại.
Theo bà Tuyết Em, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân, nhất là các trường hợp ở xa, cấp bách, đường dây nóng của NBY luôn hoạt động 24/24 giờ bất kể ngày đêm. Hầu hết các trường hợp gọi đến đường dây nóng đều trong tình cảnh tinh thần hoảng loạn, nếu không có sự tham vấn kịp thời thì hậu quả rất khó lường. “Tôi còn nhớ có một trường hợp chị H. ở Phú Yên gọi đến đường dây nóng vào 12 giờ đêm khi chị đang trong trạng thái rất hoảng loạn. Chị cho biết vừa cãi nhau và bị chồng bạo hành, chị phải trốn vào nhà vệ sinh gọi điện thoại cầu cứu. Chị sợ hãi và tưởng tượng ra cảnh người chồng đang cầm dao đứng bên ngoài, nếu chị bước ra thì sẽ bị chồng giết” - bà Tuyết Em kể.
Để đảm bảo an toàn cho nạn nhân, nhân viên tham vấn của NBY đã tham vấn qua điện thoại xuyên suốt cả ngày cả đêm giúp chị H. tạm ổn định tinh thần và hỗ trợ chị di chuyển đến NBY Cần Thơ.
Mỗi người đến NBY là một câu chuyện đau lòng khác nhau về bạo lực gia đình. Bà Tuyết Em cho biết vẫn còn nhớ như in trường hợp của chị N. (25 tuổi, quê Hưng Yên, ngụ tỉnh Vĩnh Long) được hỗ trợ đến NBY ngay trong đêm 30 tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua do bị chồng bạo hành và có ý định tìm đến cái chết. Chị N. cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình ngay từ nhỏ nhưng không biết và cam chịu.
“Sau hơn một tháng tạm lánh ở NBY, tinh thần chị N. đã ổn định. Được tham vấn, san sẻ tận tình, chị suy xét lại tất cả những việc làm của mình thời gian qua và cho chồng một cơ hội” - bà Tuyết Em kể.